Vài nét truyền giáo dưới thời Đức Cha Allys

Mỗi khi gặp một câu chuyện hoặc một biến cố trong việc truyền giáo, Đức Cha say sưa dài dòng kể lại.

Dưới đây là câu chuyện thứ nhất:

Trong tờ trình năm 1928, Đức Cha Allys Lý viết: Cha Boillot khởi đầu công việc truyền giáo cho anh em dân tộc thiểu số, kế cận giáo phận Huế. Nếu tôi nghe theo lời của cha Boillot, thì tôi đã cho phép người lên ở với anh em thiểu số. Song vì số giáo sĩ còn ít, vì tài chánh còn thiếu, chúng tôi đành chỉ ở gần các anh em đó tại Ba Trục. Từ chỗ ấy, cha Boillot có thể dễ dàng đi thăm họ, và họ cũng có thể năng đến thăm cha Boillot.

Điều tôi ước mong hơn cả, đó là một số đông trẻ em đến với ngài, ở lại hằng tuần hoặc hằng tháng, cho họ ở nhà nào thoải mái  nhất, dạy cho chúng giáo lý, biết đọc kinh, và làm quen với các lễ nghi của Hội Thánh.

Đương nhiên là cha Boillot phải lo cho chúng về mọi  mặt. Trước đây chừng ba chục năm, có ba trẻ thiểu số đến ở vài tháng với một cha xứ gần Ba Trục, học tiếng Việt, học một số kinh bằng tiếng Việt. Cách đây một tháng, một trong ba em còn sống, gặp tôi, tôi rất sung sướng khi  nghe em đó còn nhớ để đọc hai kinh Lạy Cha và Kính Mừng.

Đến nay, bạn đó cũng là đã 45 tuổi rồi,  ước gì bạn đó là người dân tộc đầu tiên trở thành con Chúa và con Hội Thánh.

Câu chuyện thứ hai được ghi lại trong tờ trình 1921:

Vào ngày 31 tháng 5 năm 1892, cha sở Phủ Cam là cha Stoeffler có mời Đức Cha Caspar ban bí tích Rửa tội cho 30 người chầu nhưng, tất cả đều thuộc về dòng hoàng tộc.

Vài giờ sau khi lãnh bí tích Thánh Tẩy, có hai người cháu của vua Minh Mạng bị đi đày, chỉ vì lý do đã đi đạo.

Trong số những người đã lãnh bí tích và đã chứng kiến hình phạt cho hai người cháu của Nhà Vua, hoàng thân mang tên Tuyền, đến thưa với cha Lý: “Con và toàn thể gia đình con cùng nhiều người thân thuộc, đến với cha để xin cha cho trở nên Kitô hữu, mặc dầu sẽ bị án tử  hình, chúng con cũng chỉ trở về nhà sau khi đã nhận bí tích Rửa Tội”.

Trong các tờ thông tin của giáo phận Huế, nhiều lần nêu cuộc đời gướng sáng của vị hoàng thân nầy. Trước ngày trở lại, ông xa vợ, xa con, đến ở căn chòi nghèo hèn, sống ẩn dật, hãm mình.

Từ ngày lãnh bí tích Rửa Tội, ông không đổi hướng sống. Niềm vui, nỗi cực, bệnh tật, không gì làm ông thay đổi cách sống, luôn luôn thuận theo ý Chúa. Xưng tội hằng tuần, hiệp lễ hằng ngày, siêng năng viếng Thánh Thể, và còn tăng thêm nhiều ngày chay, nhiều việc khổ chế.

Để làm tâm hồn xinh đẹp ấy được thanh luyện và thêm công phúc, vào cuối đời của ông hoàng thân, Thiên Chúa gởi thêm nỗi khổ phần xác và phần hồn. Ông chịu đựng nhưng không than trách. Cuối cùng, chết bình an trong tay Chúa

Sau gần 30 năm sống nêu tấm gương sáng, đám tang của ông thật là một cuộc khải hoàn.

Cho dầu thời tiết xấu, sau thánh lễ và làm phép mồ long trọng cầu cho linh hồn vừa mới qua đời, do vị Khâm Sứ cử hành, một đoàn người rất đông, giáo có, lương có, tiễn đưa linh cửu đến tận nơi an táng. Ngoài các linh mục, các bậc vị vọng giáo xứ Phủ Cam cùng các giáo xứ lân cận, đoàn dự tang còn có hoàng tử chủ của gia đình, các vị đại diện các Bộ trưởng Việt Nam, ông Tỉnh trưởng thành phố Huế. Cụ Nguyễn Hữu Bài, bộ trưởng Bộ Nội vụ muốn đích thân dự đám tang, để tỏ lòng quý mến và khâm phục đối với vị quá cố. Lương, giáo, chỉ biết đồng thanh để nói lên: chẳng biết lấy lời nào cho xứng đáng để khen ngợi ông Thuyền, vị hoàng thân.

Một câu chuyện khác trong việc truyền giáo, theo báo cáo năm 1919:

Câu chuyện liên quan đến một cô Việt Nam, Nguyễn thị Ngọc.

Nguyễn Thị Ngọc, con một vị quan chủ tịch tỉnh về hưu. Sau khi học hành tại một trường Pháp ở Huế và đậu đạt xong, cô được bổ đi dạy học ở Hà Tỉnh thuộc giáo phận miền Bắc. Gia đình được tin cô có ý định theo đạo như người anh của cô là Giuse Thích, trong câu chuyện đã kể trước đây.

Gia đình dùng mọi cách để cản trở. Trước tiên là hủy các sách, các đồ đạo mà người anh đã gởi cho cô. Đến kỳ nghỉ hè, gia đình đưa cô đi xa Huế, xa ảnh hưởng của người anh, giam cô lại vì sợ cô đi trốn. Hơn nữa, thân sinh của cô sợ rằng khi cô về lại Hà Tĩnh, cô sẽ lén lút xin lãnh nhận bí tích Rửa Tội, cho nên ông đã yêu cầu vị Hiệu trưởng cho cô về dạy ở Huế, tại trường của Pháp. Để cho lời yêu cầu có giá trị, ông muốn cho cô tự ý xin. Không ngờ, làm như thế là thúc giục cô đi trốn đến một nơi nào đó, để dễ theo đạo.

Biết tin cô dã đi trốn, song thân của cô giận điên lên, kéo theo bạn bè đi tìm cô, tra hỏi khắp nơi, nhất là những nơi gần cộng đoàn nhà tu là nơi cô có thể trốn.

Cuối cùng, một lá thư của Nguyễn Thị Ngọc tin cho gia đình hay cô đang trú tại Dòng Các-mê-lô, và sẽ không ra khỏi đó khi chưa chịu phép Rửa Tội. Lập tức người mẹ của cô đến phòng khách Dòng Các-mê-lô. Cô tuyên bố với mẹ là cô cương quyết theo đạo và rồi sẽ đi tu nữa kia. Nghe cô tuyên bố, người mẹ nổi cáu lên, chưởi mắng,  ngăm đe. Song thấy cô vẫn yên lặng, mẹ cô xông tới, chụp tóc cô, cố kéo cô ra khỏi phòng khách. Để cự tuyệt, cô nằm dài giữa đất, người mẹ phát điên lên, song không làm được gì cho nên thả cô ra, vừa giận dữ vừa đi vừa ngăm sẽ trở lại.  

Thật vậy, mẹ cô trở lại đem theo 4 cháu trai và 4 cháu gái của Nguyễn Thị Ngọc, song tấn kịch bày ra đó cũng vô hiệu. Nguyễn Thị Ngọc vẫn thương các cháu, thấy các cháu khóc lóc ròng rả, song cô đã không mũi lòng lại còn khuyên được hai cháu, và hai cháu tuyên bố cũng sẽ đi đạo như cô.

Bà mẹ chỉ còn trông nhờ vào uy quyền của ông bố. Hy vọng vị quan nầy sẽ làm cho cô Ngọc hết cứng đầu. Vì ghét đạo, người cha tỏ ra dữ tợn hơn bao giờ hết, lệnh cho cô theo mình tức khắc. Cô nhắc lại cho người cha rõ lời cô đã nói với mẹ cô: chịu đựng tất cả chứ không đổi lòng. Ông bố lại nắm tóc cô, kéo đi, song, một lần nữa cô lăn mình giữa nhà, ông bố chịu thua, ngăm sẽ trở lại.

Thắng trận rồi, Nguyễn Thị Ngọc quyết tâm xin sớm được Rửa tội. Nhờ anh cô nâng đỡ, khuyên bảo và dạy dỗ nghiêm túc và nhờ những gì cô đã học trước đây, nên sau  một tuần lễ, cô đã chịu phép rửa tội, thêm sức và hiệp lễ.

Cô vui vì thấy cửa Dòng Các-mê- lô đang rộng mở, sẽ đón tiếp mình. Tuy nhiên người ta còn thử cô thêm một tuần nữa.

Cuối cùng hôm áp lễ Sinh Nhật Đức Mẹ, cô được nhận vào Dòng

Trước đó hai ngày, cô có biên thư cho gia đình, xin gia đình đến dự lễ và chứng kiến sự quyết tâm của cô. Song cũng như lần trước, không có thư phúc đáp.

Cô vào Dòng lấy tên thánh là chị Marie de l’Eucharistie.

Được mẹ Bề Trên hỏi, chị trả lời: “Con vui sướng trong mọi vấn đề. Sống trong cộng đoàn, mấy ngày đầu khó chịu vì chế độ ăn uống, bây giờ con quen rồi, ăn ngon”. Và khi được người ta hỏi, mẹ Bề Trên nói rằng cô thỉnh sinh này có tâm tình tốt, hy vọng sẽ trở nên một người con tốt và xứng đáng của thánh nữ Têrêxa.

Ước gì  người anh của chị Marie de l’Eucharistie cũng được toại nguyện: muốn phục vụ bàn thờ và giúp lương dân trở lại. Mong rằng hai anh em được Chúa Giêsu chấp nhận  lời cầu xin cho cha mẹ và toàn thể gia đình trở lại cũng như một số gia đình các quan lại.