“Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều thầy đã truyền dạy cho anh em” (Mt 28,19-20). Theo lời mời gọi của Thầy Giêsu Chí Thánh, nối gót những vị thánh anh hùng chẳng ngại giông tố biến loạn mà ra đi truyền đạo Chúa cho mọi dân trên mặt đất, Đức Cha Allys đã hiến mình cho công cuộc truyền giáo bằng cách lên tàu tuần dương, từ biệt đất nước xinh đẹp đáng sống và từ biệt gia đình thân yêu để đến với vùng ngoại biên là mảnh đất Việt Nam để truyền giáo.
Chúng ta có thể khẳng định rằng thao thức truyền giáo nơi Đức Cha đã được hình thành từ thuở nhỏ, khi ngài còn sống trong gia đình. Thao thức đó vẫn luôn có đó nơi ngài khi gia nhập chủng viện. Với lòng nhiệt thành truyền giáo, ngài tình nguyện đi truyền giáo tại Việt Nam. Tại xứ Huế, mảnh đất Thần Kinh (Thần bí và Kinh đô), dưới vai trò là vị chủ chăn giáo phận, Đức Cha đã cụ thể hóa thao thức truyền giáo của mình bằng một chương trình hết sức cụ thể. Bước đầu của kế hoạch truyền giáo, Đức cha đã bảo trợ cho cho việc thành lập các dòng kín. Năm 1909, Ngài bảo trợ việc thành lập đan viện Carmen. Năm 1918, Ngài bảo trợ việc thành lập Nam Đan viện Xitô ở Phước Sơn, Quảng Trị. Ngài biết được rằng việc truyền giáo là công việc mà Chúa đã giao phó cho Ngài. Ý thức được việc đó, trước hết, Đức cha xin Chúa chúc lành cho công việc của ngài bằng cách bảo trợ các dòng kín chuyên lo việc cầu nguyện cho hoạt động truyền giáo. Khi đã có những hội dòng mang sứ vụ cầu nguyện cho việc truyền giáo, ngài bắt tay vào việc thành lập hội dòng hoạt động thuộc giáo phận mà tôn chỉ là qua giáo dục văn hóa để giảng dạy đạo lý Kitô giáo. Vì thế, Đức Cha đã thành lập hội dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm (1920) và Dòng Anh Em Hèn Mọn Trái Tim Chúa Giêsu (1925), nay là Dòng Thánh Tâm Huế.
Qua đó, chúng ta thấy được ngọn lửa truyền giáo luôn thôi thúc trong lòng Đức Cha Allys. Ngài phục vụ chẳng nề quản ngại hy sinh. Ngài luôn quan tâm đến việc làm cho người lương trở lại, tìm những trẻ em bị bỏ rơi, hoặc sắp chết để rửa tội. Ngài khuyến khích các linh mục đi đến với lương dân. Đồng thời, Đức cha cũng cung cấp tiền bạc, phương tiện dồi dào cho việc giảng dạy tân tòng, dự tòng, thành lập các giáo xứ mới, xây cất các nhà nguyện và nhà thờ… Ngài chẳng quản ngại lời ra tiếng vào của những kẻ chống đối. Dưới thời cấm cách, bắt bớ đạo, khi cha Allys đang là cha xứ Dương Sơn, Đức Cha Caspar biết được tin Văn Thân sẽ giết hại người công giáo trong giáo phận, liền báo tin cho cha Allys bảo ngài vào Kim Long để được an toàn hơn, nhưng ngài tự nguyện ở lại với đoàn chiên của mình. Qua đó, chúng ta thấy Đức Cha là một mục tử luôn hết mình vì đoàn chiên cho dù gặp muôn vàn khó khăn, thử thách và thậm chí cả mạng sống của mình để bảo về đoàn chiên mà Chúa trao phó. Từ ngày, Đức Cha rời quê hương để đến truyền giáo tại Việt Nam thì ngài chưa một lần trở thăm nơi ngài đã được sinh ra và lớn lên. Điều đó cho thấy lòng hăng say và hi sinh của Đức Cha trên cánh đồng truyền giáo. Chính vì tình yêu theo gương Thầy Chí Thánh đã thúc đẩy ngài trao gửi trọn con tim của ngài cho quê hương Việt Nam.
“Hãy đi giảng dạy muôn dân” (Mt 28,19) là câu Lời Chúa mà Đức Cha đã chọn làm châm ngôn để nên thánh cho các nam tu sĩ bước theo linh đạo mà Ngài đã nhận được. Ngang qua lời khấn, các tu sĩ Thánh Tâm, những người dâng hiến chính thân mình cho Thiên Chúa ngang qua đặc sủng mà Đức Cha Tổ Phụ nhận được, cũng mang theo thao thức truyền giáo của Đức Cha trong tim mình. Noi theo tinh thần của Đấng Sáng Lập, các tu sĩ qua các thế hệ đã để lại những gương sáng trong việc sống, giữ đạo và truyền đạo Chúa giữa lòng dân tộc. Trong thời đại hôm nay, các tu sĩ Thánh Tâm không những gìn giữ ý hướng và tinh thần của Đức Cha mà con thích nghi và phát triển ý hướng của ngài cho việc truyền giáo giữa một xã hội đầy thăng trầm.
Thưa Đức Cha Tổ Phụ, chúng con cảm ơn ngài đã gieo vào lòng anh em tu sĩ Thánh Tâm ước muốn rao truyền Đạo Thánh Chúa qua việc giáo dục các thanh thiếu niên về văn hoá cũng như đức tin. Kính xin ngài luôn cầu bầu cùng Chúa cho các tu sĩ chúng con biết noi gương Đức Cha trong việc mở mang Nước Chúa ngày một hơn.
Giuse Duy Nhật, Giuse Ngọc Sáng, & Giuse Thanh Tùng