Thao Thức Của Đức Cha Allys Trong Ưu Tiên Mục Vụ, Cách Riêng Cho Tân Tòng

Sống tâm tình hướng đến Bách Chu Niên – ngày thành lập Dòng, cũng như ngày giỗ lần thứ 88 (23.4.1936) của Đấng Sáng lập – Đức Cha Allys. Đây là cột mốc ghi ấn bước ngoặt quan trọng đối với mẹ Dòng, cách riêng mỗi Tu sĩ Thánh Tâm mặc lấy tâm tình “sự Hiền lành, Khiêm nhường và lòng Thương xót.”[1]

Thoạt tiên, chúng ta được mời gọi sống tâm tình họa lại khuôn mặt của Đức Kitô qua việc trở về căn tính nguyên thủy của Đấng Sáng lập. Nhờ đó, chúng ta được hun đúc và khơi gợi khát vọng sống tinh thần của Đức Cha. Noi gương tinh thần của ngài, chúng ta suy tư đề tài: “Thao thức của Đức Cha Allys trong ưu tiên mục vụ, cách riêng cho Tân tòng.” Với chủ đề này, chúng ta cùng nhau lược qua ba điểm cốt yếu sau:

Tinh thần của Đức Cha Allys đến với lương dân

Một trong những đóng góp quan trọng của Đức Cha Allys trong việc truyền giáo tại Việt Nam, đó là tinh thần đến với người lương dân. Ngài đến với họ với tinh thần nhiệt huyết, sự quan tâm sâu sắc tới những người nghèo với một tinh thần bác ái cao cả. Ngài thành lập nhiều nhà tị nạn, trại trẻ mồ côi và bệnh viện để giúp đỡ họ. Ngài dành cả cuộc đời để sống tinh thần truyền giáo. Cuộc đời ngài không một lần hồi hương, bất chấp mọi thử thách, miễn sao Tin Mừng hóa đến với lương dân. Châm ngôn sống của ngài: “Diligo Omnes – Tôi Yêu Mọi Người.” Ngài yêu tất cả không trừ một ai, không phân biệt niềm tin tôn giáo, dẫu họ là ai hay có hoàn cảnh ra sao. Ngài ưu tiên mục vụ vì người nghèo, nhất là lương dân. Nhờ tinh thần ý hướng của Ngài, nhiều người được ơn hoán cải và trở thành Kitô hữu.

Như vậy, một con người luôn nung nấu lòng khát khao trong việc mang ánh sáng Tin Mừng cho người dân Việt. Trên cương vị là một Giám mục, thuộc tầng lớp trí thức, am hiểu rộng, dài, cao sâu, nhưng ngài sẵn sàng đến với người nghèo, cách riêng là tinh thần đến với lương dân. Bởi vì, họ là những người thuộc tầng lớp “quê mùa.” Qua đây, chúng ta khám phá nơi ngài đức tính kiên nhẫn, sẵn sàng lắng nghe chỉ vì yêu mến mọi người.

Ưu tiên trong việc thành lập các giáo xứ

Đức Cha nhận thức rõ tầm quan trọng của một cộng đoàn Kitô. Cho nên, ngài thành lập các giáo xứ là điểm mấu chốt vì nhu cầu mục vụ. Việc ưu tiên này là cầu nối tiếp cận của Giáo hội với người tín hữu, đặc biệt là người mới trở lại. Các giáo xứ mới thành lập tạo nên một không gian và mở ra nhiều cơ hội để cho người tân tòng tham gia vào các sinh hoạt tại giáo xứ, chẳng hạn như học hỏi giáo lý, bồi dưỡng các lớp văn hóa cho trẻ em nghèo, cũng như hun đúc đời sống đức tin. Ngoài ra, giáo xứ đóng vai trò như một mạng lưới hỗ trợ, giúp người tân tòng hòa mình vào tinh thần bác ái huynh đệ, được tham gia vào đời sống thiêng liêng cũng như đời sống thường nhật.

Bên cạnh đó, chúng ta biết rằng đầu Thế kỷ XX, số lượng tín hữu Công Giáo tại Việt Nam tăng lên một cách nhanh chóng. Nhu cầu linh mục và các nơi cử hành phụng vụ là điều cấp thiết trong đường hướng loan báo Tin Mừng của Giáo hội. Việc thành lập các giáo xứ đảm bảo cho người tín hữu có cơ hội tham dự Thánh lễ, lãnh nhận các Bí Tích và tham gia học hỏi giáo lý. Sự hiện diện của các linh mục tại các giáo xứ mới họa lên hình ảnh người mục tử sống giữa đoàn chiên. Đồng thời, gợi lên ý hướng tuyển chọn và đào tạo các linh mục có lòng nhiệt huyết mục vụ trong tương lai. Giáo hội địa phương ngày một có nhiều linh mục nhiệt thành mục vụ cho người tân tòng trong giảng dạy đời sống đức tin. Các chương trình giáo lý, các hoạt động thiêng liêng thường xuyên được tổ chức tạo nên bầu khí yêu thương giúp người lương dân nhận ra đạo Công giáo là đạo yêu thương. Hơn nữa, việc khích lệ, quan tâm đối với anh chị em lương dân sẽ củng cố niềm tin và sống Mầu nhiệm Hiệp thông.

Ngoài ra, việc thành lập các giáo xứ góp phần truyền giáo tại các khu vực có ít người Công giáo sinh sống. Điều này diễn tả Mầu nhiệm Hiệp thông sống động của Giáo hội giữa lòng dân tộc. Đây cũng là thách thức và cũng là cơ hội để đem Tin Mừng cho những người lương dân. Một khi các giáo xứ mới được thành lập, các linh mục và giáo dân được gắn chặt mối tình đoàn kết láng giềng. Hơn nữa, việc thành lập các giáo xứ mới tạo nên sự mối tương quan tương trợ trong đời sống đức tin cho những người mới theo đạo. Tại các giáo xứ mới thành lập có trường học, thuận tiện phúc lợi xã hội trong việc giáo dục con em về kiến thức đạo lẫn đời. Điều này nói lên sứ mạng giáo dục của Dòng mà Đức Cha có ý hướng thành lập để “Tu sĩ Thánh Tâm mang sứ mạng loan báo Tin Mừng, đặc biệt qua việc dạy giáo lý Kitô giáo cho các tín hữu cũng như cho các anh em lương dân.”[2]

Ưu tiên mục vụ trong việc xây dựng nhà thờ

Nhà thờ là trung tâm của đời sống Kitô giáo, nơi diễn ra các nghi lễ phụng tự các Bí tích, các giờ sinh hoạt của cộng đoàn, cầu nguyện, học hỏi giáo lý và nơi giáo dục đức tin. Nhà thờ là nơi con người được kết nối với Thiên Chúa, nơi sự thể hiện đức tin của người tín hữu. Bởi thế, Đức Cha Allys đã ưu tiên việc xây dựng nhà thờ trong đường hướng mục vụ của Giáo phận. Sự hiện diện của ngôi thánh đường củng cố tinh thần cho các tân tòng, tạo nên sự bình an được che chở, gắn kết với cộng đoàn. Nhà thờ được xây dựng khang trang, đẹp đẽ sẽ góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho giáo dân. Bầu khí trang nghiêm, sốt sắng là điều kiện tốt để người tín hữu khám phá sự hiện diện của Thiên Chúa.

Việc kiến thiết nhà thờ, Đức Cha chú trọng đến kiến trúc. Bởi vì, kiến trúc của một nhà thờ thể hiện lòng tôn kính của con người đối với Thiên Chúa. Đây cũng là phương thế mà Giáo hội truyền bá đức tin cho những người xung quanh, đặc biệt cho người tân tòng. Chúng ta biết rằng, Đức Cha Allys xuất thân là người châu Âu, một người thuộc văn hóa Tây phương nhưng có sự giao thoa với văn hóa Á Đông một cách hài hòa. Ước mong của ngài, nhà thờ không chỉ là nơi thờ phượng, nhưng còn là biểu tượng của nền văn hóa dân tộc. Điều này cho chúng ta thấy tinh thần thích nghi văn hóa của Đức Cha trong việc giao thoa giữa đức tin và hội nhập văn hóa.

Nhà thờ là nơi lưu giữ bản sắc văn hóa, những giá trị truyền thống với những tập quán của người Công giáo. Nhà thờ là nơi linh thiêng, nơi Thiên Chúa ngự trị. Sự xuất hiện của ngôi thánh đường giúp con người xóa bỏ những định kiến và kỳ thị. Từ đó, người tân tòng hòa nhập một cách tự tin; họ được chia sẻ, nâng đỡ về vật chất lẫn tinh thần. Việc xây dựng nhà thờ cho thấy Đức Cha là một con người am hiểu nghệ thuật thánh. Cụ thể ngài quan tâm đến việc trang trí nhà thờ bằng các tác phẩm ảnh tượng, tranh ảnh, hoa văn…tạo nên một nét độc đáo, một không gian linh thiêng, truyền cảm hứng cho người giáo dân trong việc cầu nguyện. Sở dĩ ngài ưu tiên, vì sau chiến tranh, nhiều nhà thờ bị tàn phá một cách nghiêm trọng. Đây là thời gian người con Việt thể hiện lòng sùng kính đức tin, qua việc bái ái nhằm trùng tu nhà Chúa. Ngài mong muốn nhà thờ không chỉ là nơi thờ phượng mà còn là biểu tượng của niềm hy vọng và sự phục hồi vết thương tàn dư của chiến tranh bom đạn.

Tóm lại, trong sứ vụ mục vụ của Đức Cha Allys, ngài đã để lại nhiều công lao to lớn cho Giáo hội Việt Nam, cách riêng là cho Giáo phận nhà. Di sản của Ngài để lại cho hậu thế qua những mốc son trong đường hướng mục vụ mà ngài ưu tiên. Với tinh thần đến với lương dân, ngài khơi lên tình thương của Thiên Chúa dành cho tất cả mọi người. Đức Cha ưu tiên mang Lời Chúa đến với người lương dân. Với tinh thần nhiệt huyết, sự kiên nhẫn, và lòng hy sinh tận tụy, Đức Cha Allys mở rộng những vùng đất mới trong cánh đồng gieo mầm đức tin.

Tiếp nối qua việc thành lập các giáo xứ, người tín hữu được sum vầy bên vị linh mục coi sóc, hiệp thông trong việc cử hành các Bí Tích. Như vậy, mối hiệp thông giữa chủ chiên và đoàn chiên ngày một gắn chặt. Người lương dân được cảm hóa bởi sự quan tâm của các nhà hữu trách. Việc ưu tiên thành lập các giáo xứ góp phần quan trọng trong việc tiếp cận, hỗ trợ, hướng dẫn và thăng tiến đời sống đức tin cho người mới theo Chúa, đồng thời góp phần sự lan rộng cánh đồng truyền giáo của Giáo hội.

Cuối cùng, việc ưu tiên xây dựng các nhà thờ như là một minh chứng hùng hồn của đời sống đức tin trong những thăng trầm của biến cố lịch sử. Các nhà thờ mọc lên góp phần môi trường an sinh, mọi tín hữu được tham dự các sinh hoạt của Giáo hội. Ngoài ra, nhà thờ là biểu tượng của sự kết nối mối tình hiệp thông trong đức tin và truyền bá Phúc Âm. Như vậy, việc ưu tiên mục vụ của Đức Cha Allys, muôn người được ngụp lặn trong hy vọng với một cuộc sống bình an thư thái. Tất cả cùng đoàn tụ trong cảnh hoàng hôn lúc bình minh ló rạng, khởi sắc của một ngày mới với niềm tin vào Đấng Phục Sinh, Chúa đã sống lại.

Phêrô Nguyễn Sơn, Phanxicô Xavie Hồ Trúc & Giuse Lương Hảo

[1] x. Điều 3, Hiến Pháp & Nội Quy Dòng Thánh Tâm Huế, 2022.

[2] x. Điều 2, Hiến Pháp & Nội Quy Dòng Thánh Tâm Huế, 2022.