Thân thế và sự nghiệp Đức cha Đa Minh Hồ Ngọc Cẩn (1)

1. Quê quán, dòng tộc

Đức Cha Đôminicô Maria Hồ Ngọc Cẩn vốn thuộc dòng họ Lê, chánh quán làng Cổ Thành, cạnh Giáo xứ Cổ Vưu, nay gọi là Trí Bưu, thuộc xã Hải Trí, thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị[1].

Theo lời chứng của linh mục Mátthêu Lê Văn Thành[2], thì trong cơn bắt đạo thời Cảnh Thịnh (1792-1802), gia đình ngài phải trốn vào Ba Châu, đồng thời đổi tên họ Lê sang họ Hồ[3]. Ngài có một người cô ruột chịu tử đạo vào thời Văn Thân, bị thiêu sống cùng với 600 giáo dân trong nhà thờ Cổ Vưu vào ngày 7 tháng 9 năm 1885, sau đó được an táng tập thể trong lăng tử đạo ở Cổ Vưu[4]. Năm 1912, trên đường đi viếng Đức Mẹ La Vang, Đức Cha có ghé thăm Cổ Vưu, và dừng lại cầu nguyện trước ngôi mộ tập thể này. Lòng bùi ngùi xúc động, ngài đã hạ bút ra một bài thơ dâng kính các vị tử đạo, nguyên văn như sau:

Ưu thích nguyên lai ngọc nhữ thành

Xá danh thủ nghĩa, tử nhi sanh;

Tồn tâm kính Chúa thiên quân trọng,

Thị tử như qui nhứt diệp khinh;

Đôi thổ kỷ thu mai bạch cốt,

Thánh đàng thiên tải quái phương danh;

Tòng lai bỉ thái cơ như thị,

Vinh nhục tuần huờn cảnh nhục vinh[5]

Sau ngày được tấn phong Giám mục tại Huế, ngài cũng ghé thăm Cổ Vưu và các vùng lân cận[6]. Chính Cha Mátthêu Lê Văn Thành, khi đó còn là một thanh niên 16 tuổi, đã hỏi ngài: “Sao họ Cổ Vưu được Đức Cha thương vậy?”. Ngài trả lời: “Cha chính gốc ở đây[7].

Quả thật, con thuyền dòng họ Lê trôi theo những thăng trầm của dòng đời, rồi dừng lại trên mảnh đất không mấy thuận lợi về địa thế. Nhưng đây là cách Thiên Chúa dùng để chuẩn bị cho một ơn gọi theo chương trình riêng của Người.

2. Gia cảnh

Hồ Ngọc Ca (sau đổi ra Hồ Ngọc Cẩn) chào đời ngày 3 tháng 12 năm 1876, tại họ thánh Đôminicô, quen gọi là Ba Châu, xứ Hòa Đa, Phú Đa, huyện Phú Vang[8], tỉnh Thừa Thiên Huế. Thân phụ là ông Giuse Hồ Ngọc Thi, thân mẫu là bà Anê Nguyễn Thị Đào. Hồ Ngọc Ca có một người em trai là Hồ Ngọc Vịnh.

Song thân là những người đạo hạnh, an vui trong nếp sống nghèo, nhưng dồi dào tình yêu thương gia đình, chòm xóm. Năm lên 10 tuổi, thân phụ qua đời, gia đình lâm vào cảnh khó khăn, nhưng Thiên Chúa đã không để mất cơ hội. Người gieo vào lòng chú bé Ca ơn gọi hiến dâng mà Người đã chuẩn bị từ bao đời.

3. Ơn gọi

Sự khuất bóng của người cha hiền đã đưa cuộc sống gia đình vào hoàn cảnh ngặt nghèo. Vì lý do sống còn, Hồ Ngọc Ca phải nghỉ học Hán tự sau một năm đến trường, và theo mẹ về quê ngoại sinh sống, nơi có nhà thờ Thợ Đúc[9], thuộc Giáo xứ Trường An. Năm 1888, tình cờ một buổi nọ, Cha già Phanxicô Xaviê Thường, lúc đó là Cha sở họ Trường An, ghé thăm ông cậu ruột. Khi kêu cháu Ca bưng nước mời cha, cậu giới thiệu cháu mình và xin cha nhận nuôi để sau cho vào trường La tinh. Tuy biết mình tuổi già sức yếu, không đủ sức lo cho cháu Ca vào trường theo sở nguyện, nhưng Cha vẫn thương nhận cậu về nuôi dạy. Đây là chiếc nôi đầu tiên của ơn thiên triệu, mà Cha già Thường là người đầu tiên có công gầy dựng.

Mùa hè năm 1889, cố Hòa (Ernest Girard) đang làm Bề trên Tiểu chủng viện An Ninh, Địa phận Huế, ghé thăm Cha già Thường. Qua câu chuyện hàn huyên bằng hữu, Cha già Thường đã trình bày hoàn cảnh, tính tình cùng với ước vọng của chú Ca, đồng thời cũng là nỗi băn khoăn của riêng mình. Cố Hòa đã nhận lo giúp cho Hồ Ngọc Ca được vào trường. Nhưng xét theo tiêu chuẩn tuyển sinh thời đó, thí sinh được coi là đủ điều kiện, phải có kiến thức căn bản tương đương, phải biết chữ Quốc ngữ, phải biết sử dụng năm biến cách (declinationes) của La ngữ. Thế mà thí sinh Hồ Ngọc Ca chỉ mới biết đọc, biết viết chữ Quốc ngữ, nên cố Y (Denis – Célestin Izarn) là chánh chủ khảo đã định loại cậu.

Cũng cần lưu ý thêm về một vài chi tiết, coi như những giai thoại lý thú về chú bé Hồ Ngọc Ca này:

– Khi thấy hai người Pháp nói chuyện, chú bé Ca tò mò lắng nghe, tuy chẳng hiểu họ nói gì, nhưng lại nhớ được hết, về nhà đọc được nguyên văn những câu Pháp ngữ ấy.[10]

– Với bản kinh giúp lễ dài bằng tiếng Latinh, chỉ trong vòng ba ngày, Hồ Ngọc Ca thuộc lòng và thực hành thông thạo.[11]

Đó là điều gây ngạc nhiên không ít về phía Cha già Thường. Đàng khác, để thực hiện lời hứa với Cha già Thường, cố Hòa đứng ra nhận bổ túc kiến thức, và lo liệu việc học, để trò Ca được vào trường. Chẳng khác nào chồi non giữa nắng xuân, trí thông minh của chú biểu lộ khác thường. Chỉ vài ba tháng sau, không những theo kịp bạn bè, mà chú còn khẳng định chỗ đứng xuất sắc của mình, lại được sự tín nhiệm của thầy, lòng quý mến của bạn, đến nỗi học lớp trên được giao chấm bài lớp dưới.

Tiên cảm sự ra đi của mình, một năm trước khi qua đời (năm 1890), Cha già Thường đã trao nghĩa tử của mình cho Cha sở họ Phủ Cam, lúc đó là Cha Allys (cố Lý)[12] đỡ đầu để chăm lo tưới bón cho mầm non ơn gọi mà ngài đã gắng công ươm trồng lúc tuổi đã cao, sức đã kiệt. Ngài toại nguyện trở về Nhà Cha năm 1891.

Nên biết, từ tháng 1 năm 1893 đến tháng 10 năm 1895, Cha Léopold Cadière (cố Cả) làm giáo sư Tiểu chủng viện An Ninh và Đại chủng viện Huế. Sáu tháng sau, năm 1893, ngài dạy văn chương (Pháp) và dạy triết tại Tiểu chủng viện An Ninh. Sau đó, ngài dạy tín lý tại Đại chủng viện Huế. Như vậy, có thể trong thời gian cố Cả dạy ở chủng viện An Ninh, Hồ Ngọc Ca cũng là học trò của cố Cả, một thừa sai bác học ở Việt Nam.

Năm 1896, Hồ Ngọc Ca hoàn thành xuất sắc trước thời hạn 2 năm chương trình Tiểu chủng viện An Ninh, và được tuyển thẳng vào trường Lý Đoán, tức Đại chủng viện Phú Xuân. Cùng với nỗ lực cộng tác, kho tàng Chúa ban ngày thêm triển nở. Tại đây, dưới thời Đức Cha Marie Antone Luis Caspar (Lộc), Giám mục Đại diện tông tòa Huế từ năm 1880 đến 1907, thầy Ca đã mau chóng bước lên các bậc thềm tiến tới chức linh mục.

Ngày 17 tháng 12 năm 1892, thầy lĩnh chức cắt tóc, đồng thời đổi tên Hồ Ngọc Ca thành Hồ Ngọc Cẩn. Danh xưng mới này chính thầy đã chọn cho mình. “Tên là người”, vì thế, dường như nó bao hàm cái “trực giác” của thầy về chức Giám mục sau này, khi thày quyết định giữ lại cho mình cái gốc gác của chữ “Ca”, chỉ thêm lông chắp cánh cho thành chữ “Cẩn”[13]. Cái tên “Cẩn” tình cờ và ngẫu nhiên ấy đã không có vấn đề đặt ra nếu sau này người ta không nghe chính thầy lý giải một cách hóm hỉnh qua một giai thoại vừa hợp tình vừa hợp lý: “Ca đổi ra Cẩn là thêm dấu mũ (^), tức là cái mũ Giám mục, thêm dấu hỏi (?) tức cái gậy Giám mục, thêm chữ (n) tức cái nhẫn Giám mục”.[14]

Linh cảm về chức Giám mục tương lai, không phải chỉ có “đương sự”, mà còn bàng bạc trong tâm thức của các tín đồ xứ Huế, cũng như nơi các anh em linh mục làm việc với ngài. Với những lời phẩm bình nửa đùa nửa thật, “Cha Cẩn làm Đức Cha”. [15]

Ngày 23 tháng 12 năm 1899: chịu 4 chức nhỏ một lượt.

Ngày 22 tháng 12 năm1900: lãnh nhận chức Năm (phụ phó tế).

Ngày 23 tháng 02 năm 1902: lãnh chức Sáu (phó tế).

Ngày 20 tháng 12 năm 1902: Lãnh chức Linh mục.[16]

Mới 26 tuổi đời, thầy Hồ Ngọc Cẩn chịu chức linh mục ở tuổi còn rất trẻ, so với hàng linh mục Huế thời ấy. 

[1] Lm. Anrê Ngô Văn Nhơn, Tổng giáo phận Huế, Huế 1988, tr.101.

[2] Lm. Mátthêu Lê Văn Thành sinh năm 1919 tại Trí Bưu, chịu chức linh mục năm 1945, tr. 30-31.

[3] Theo thiển nghĩ, chúng tôi đoán: Vì vua Quang Trung đã lật đổ nhà Lê (1789), nên theo sự khôn ngoan, cụ cố nội ngài trốn sang vùng đất mới và đổi họ Lê sang họ Hồ, để tránh tình nghi về phía nhà Tây Sơn.

[4] Thời kỳ này (9-1885), nhiều nhân chứng đức tin được phúc tử đạo dưới nhiều hình thức khác nhau: thiêu sống, phân xác, bách hại nhiều cách, ntr, tr. 78.

[5] Nam Kỳ địa phận, 1912, tr. 303.

[6] Nam Kỳ địa phận, 1935, tr. 504.

[7] Chứng từ của Lm. Mátthêu Lê Văn Thành, được ghi tại Huế ngày 18.7.1996.

[8] Các tài liệu đều ghi: Xứ Ngọc Hồ, Hương Trà.

[9] Còn gọi là Phường Đúc.

[10] Theo lời chứng của ông Bùi Đình Liên (Tức Uyên) 72 tuổi, lúc còn là học sinh Trường Trung Linh, đời Đức Cha Hồ coi sóc Địa phận Bùi Chu, ông thường được nghe Cha Hoàng Viết Phúc (Cha già Tốn) kể về đời niên thiếu của Đức Cha Hồ. Theo Cha già Tốn, khi còn nhỏ, vì gia đình nghèo, Hồ Ngọc Ca phải đi giúp việc cho một ông thông ngôn (Interprète). Một buổi nọ chú Ca gặp một ông “Tây” với một bà “Đầm” đi du ngoạn nói chuyện với nhau. Chú bé Ca chẳng hiểu gì, nhưng lại nhớ thuộc lòng, về đọc lại cho ông thông ngôn nghe và hỏi xem những lời ấy có ý nghĩa gì – Viên thông ngôn nhận thấy chú bé thông minh khác thường, nên khoe với ông trùm xứ đạo. Ông trùm lại kể cho Cha già Thường câu chuyện này (lược ghi tại giáo xứ Chính Nghĩa, Buôn Ma Thuột, ngày 14 tháng 7 năm 1998).

[11] Lm. Phạm Châu Diên, Đức Cha Hồ Ngọc Cẩn, Giám mục Bùi Chu, 1990, tr. 7.

[12] Cha Eugène Marie Joseph Allys Lý (1852 – 1936) rời bỏ Pháp ngày 16 tháng 12 năm 1875, sang Việt Nam phục vụ giáo phận Huế. Ngài lập dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm (1921) và dòng “Anh em hèn mọn Rất Thánh Trái Tim Đức Chúa Giêsu” (1924), (Lm Anrê Ngô Văn Nhơn, Sđd, tr.117).

[13] Nam Kỳ địa phận, 1935, tr. 294.

[14] Lm. Phạm Châu Diên, sđd, tr. 7.

[15] Nam Kỳ địa phận, 1935, sau tr. 480 và 496.

[16] Sử Giáo phận Huế, Thời kỳ các Giám mục coi sóc xứ ta, số 97.