4. Trên đường mục vụ
4.1. Linh mục
1) Mục vụ Giáo xứ
Cha Đôminicô Hồ Ngọc Cẩn lần lượt chu toàn sứ mệnh tại những nơi được sai đến:
– Phó xứ Kẻ Văn[1] trong 5 năm:
+ Từ 07 tháng 02 năm 1902 đến ngày 08 tháng 02 năm 1907 cộng tác với cố Auguste Emmanuel Gilbert Quý.
+ Từ 08 tháng 02 năm 1907 đến ngày 03 tháng 11 năm 1907 cộng tác với cố Antoine Nhiệm.
– Sau đó được cử làm Cha sở họ Vạn Lộc, tức Kẻ Hạc [2] trong 3 năm.
Phải nói rằng đây là thời gian Cha Hồ Ngọc Cẩn bộc bạch thao thức của mình. Sứ mạng được thể hiện qua đường hướng mục vụ: dạy giáo lý, mạnh dạn sửa đổi hình thức sống đạo theo thói cổ địa phương bằng cách mở các lớp học tình thương, giáo hóa, nâng cao trình độ hiểu biết của người dân, nhằm xây dựng nếp sống văn minh hơn. Từ đó, ngài khơi dậy những tâm tình tôn giáo đơn sơ, chân thật, sốt sắng và hữu hiệu nơi giáo dân. Đó là sự kết hợp giữa tài trí và đức độ, cùng với tình yêu mãnh liệt, đủ để phát ra một sức mạnh mới làm thay đổi tất cả. Thực vậy, tại những nơi Cha Cẩn đến phục vụ, nhìn vào những con người được ngài trực tiếp giáo hóa, người ta nhận thấy một sự đổi thay trong nếp sống, nhất là phương diện tinh thần.[3]
2) Giáo sư Việt Nam đầu tiên
Biết Cha Cẩn là người thông thái, nên ngày 17 tháng 09 năm 1910, Đức Cha Allys bổ nhiệm ngài làm Giáo sư Tiểu chủng viện An Ninh. Tiểu chủng viện này nguyên là một trường học do Tiên đế Gia Long ban cho[4], nhưng các giáo sư đều là linh mục Pháp. Đây thực sự là một vinh dự lớn cho Cha Cẩn, vì Ngài là linh mục Việt Nam đầu tiên được cử làm Giáo sư của Tiểu chủng viện này. Trong thời gian này ngài viết nhiều sách[5], chứng tỏ ngài là con người đa năng và uyên bác.
Chủng viện An Ninh, đầu năm 1924. Đức Cha Allys ngồi giữa, bên phải ngài là Cha Giám đốc Girard rồi Cha R. Fasseaux. Bên trái ngài, ngoài cùng là Cha Hồ Ngọc Cẩn.
3) Bề trên Dòng Thánh Tâm Huế
Trong thời gian làm giáo sư chủng viện, ngài quan thân với cố Benoit Thuận[6], một linh mục đạo đức chân thành, hai người đồng tâm ý hợp, cùng thao thức, cùng mơ ước. Nhưng Cha Cẩn phải từ chối lời mời hợp tác lập dòng Phước Sơn tại Quảng Trị của cố Thuận[7], vì Cha Cẩn được Đức Cha Lý là nghĩa phụ, trao cho nhiệm vụ thực hiện dòng “Anh em hèn mọn Rất Thánh Trái Tim Đức Chúa Giêsu”[8], với cương vị Cha sở họ Trường An vào năm 1923. Một năm sau (1924) khánh thành dòng này, bề trên tiên khởi của dòng cũng chính là linh mục Đôminicô Maria Hồ Ngọc Cẩn. Ngài giữ chức vụ này cho đến khi được cử làm Giám mục phó Bùi Chu năm 1935. Sau năm 1975, các Sư huynh Thánh Tâm không còn ở Trường An nữa, vì Nhà Nước cần cơ sở đó để sử dụng cho công ích. Thay vào đó, các Sư huynh Thánh Tâm được dời đến một mảnh đất gần Tòa Giám mục Huế, để lập trụ sở mới. Tuy nhiên, công trình của Cha Hồ Ngọc Cẩn vẫn còn y nguyên. Trong thời gian làm Bề trên dòng này, ngài lập 3 trường tiểu học tại Kim Long, Phủ Cam và Lại Ân.[9]
4) Lục sự Công đồng Đông Dương
Tiếng tăm vang đi khắp nơi, cả trong đạo lẫn ngoài đời: “Linh mục Cẩn tài rộng đức cao”, Ngài được bầu làm Lục sự (notarius) của Công đồng Đông Dương, và của Tiểu ban thứ nhất Công đồng (bàn về các đại diện tông tòa, các thừa sai, các tu sĩ, các thầy giảng)[10]. Công đồng này nhóm họp tại Hà Nội từ ngày 16 tháng 11 năm 1934 đến ngày 6 tháng 12 năm 1934.
5) Chủ bút báo Sacerdos indosinensis
Dấn thân, sáng tạo và dám hành động, đó là nét chỉ đạo trong hoạt động của ngài. Đầu năm 1935, ngài được cử làm chủ bút Tạp chí “Sacerdos indosinensis”. Bất ngờ, nhận được tin Tòa thánh bổ nhiệm làm Giám mục phó địa phận Bùi Chu, nên ngài xin từ chức chủ bút. Cha Phêrô Ngô Đình Thục (năm 1938 làm Giám mục Vĩnh Long) làm chủ bút thay thế Đức Cha Cẩn. Tuy nhiên, Đức Cha Cẩn vẫn là trợ bút đắc lực của tờ báo này[11].
4.2. Giám Mục
1) Hai vị Giám mục tiên khởi
Trong chiều hướng đưa hàng giáo sĩ địa phương lên nắm trách nhiệm lớn hơn, năm 1933, Cha Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng[12] là người Việt Nam đầu tiên được tấn phong Giám mục, coi sóc địa phận Phát Diệm. Ngài được đặt lên thay thế Đức Cha Alexandre Jean Pierre Marcou (Thành), lúc đó đã 79 tuổi. Đức Cha Thành chính thức trao quyền coi sóc Địa phận Phát Diệm cho Đức Cha Nguyễn Bá Tòng ngày 20 tháng 10 năm 1935.[13] Địa phận Bùi Chu do Đức Cha Pedro Munagorri Obineta (Trung), người Tây Ban Nha, thuộc Dòng Đa Minh, coi sóc đã 28 năm (1907–1935), nay ngài đã già yếu. Thể theo lời đề nghị của Đức Khâm sứ Dreyer, ngày 12 tháng 03 năm 1935, Đức Giáo Hoàng Piô XI đã ký sắc đặc cử Cha Đôminicô Hồ Ngọc Cẩn làm Giám mục hiệu tòa Zenobia[14], phó đại diện tông tòa tại Bùi Chu với quyền kế vị.
Sau đây là bản sao nguyên văn bằng La ngữ, Pháp ngữ các bức điện tín của Đức Khâm sứ và Đức Cha Cẩn gửi qua trình Tòa Thánh, và hai bức điện hồi âm của Tòa Thánh [15].
Khi gần ngày Đức Cha Đôminicô Hồ Ngọc Cẩn thụ phong Giám mục, thì Đức Khâm sứ có đánh điện tín về Roma như sau:
“Evêques, prêtres, fidèles réunis consécration deuxième Evêque annamite offert Saint Père hommage filial gratitude fidélité dévouement implorons Bénédiction Apostolique.”
Délégué Apostolique
Xin tạm dịch:
“Các Giám mục, linh mục, tín hữu cùng hợp nhau, nhân dịp tấn phong vị Giám mục Annam thứ hai; kính dâng Đức Thánh Cha lòng tôn kính, hiếu thảo, cùng hết lòng biết ơn và trung thành. Xin Đức Thánh Cha ban phép lành Tòa Thánh cho chúng con.”
Khâm sứ Tòa Thánh
Bên Tòa Thánh đáp lại:
“Saint Père agrée hommage et envoie présents sacre deuxième Evêque annamite Bénédiction Apostolique”
“Cardinal Pacelli”
Xin tạm dịch:
“Đức Thánh Cha rất vui lòng đón nhận việc tỏ lòng kính trọng của anh chị em, và gửi quà tặng cùng ban phép lành Tòa thánh nhân dịp tấn phong vị Giám mục Annam thứ hai”
“Hồng Y Pacelli”
Ngày thứ năm trước thứ bảy làm lễ tấn phong, thì Đức Cha Đôminicô Hồ Ngọc Cẩn cũng có điện về Roma xin phép lành Tòa Thánh:
“Sabbato sequenti in Episcopum consecrandus Benedictionem Apostolicam humiliter supplico”.
Dominicus Hồ Ngọc Cẩn
Dịch:
“Ngày thứ bảy tới, con sẽ được tấn phong Giám mục, con khiêm tốn khẩn nài [Đức Thánh Cha] ban phép lành Tòa Thánh”
Đôminicô Hồ Ngọc Cẩn
Đức Cha cũng được điện tín trả lời:
“Augustus Pontifex Tibi in Episcoqum inungendo paterne benexit atque patoralia numera uberrima fructibus auspicatur”.
Cardinal Pacelli
Dịch: “Đức Thánh Cha, bằng tâm tình người cha, ban phép lành cho Đức cha trong dịp xức dầu tấn phong Giám mục, và chúc Đức Cha khởi đầu công việc mục vụ được nhiều hiệu quả phong phú”.
Hồng y Pacelli
2) Lễ tấn phong Giám mục
Năm 1933 là năm thánh ngoại lệ, kỷ niệm 1900 năm Cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu. Nhân dịp này, Cha Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng, vị Giám mục tiên khởi của Việt Nam, được Đức Thánh Cha Piô XI tấn phong tại Rôma ngày 11 tháng 06 năm 1933, trong Vương cung thánh đường Thánh Phêrô, hiệu tòa Sozopolis. Biến cố này đã là một vinh dự lớn lao cho Giáo hội Việt Nam.[16]
Đối với Giám mục bản quốc thứ hai, Đức Cha Đôminicô Hồ Ngọc Cẩn, lễ tấn phong của ngài được cử hành tại Huế, thời ấy là kinh đô nước Việt, cũng trong một bầu khí vô cùng long trọng và phấn khởi.
Bảy ngày trước đó, Cha Cẩn đã rời bỏ Trường An, đến Dòng Chúa Cứu Thế Huế, để đi vào thinh lặng nguyện cầu, chuẩn bị cho một sứ mạng lớn lao.
Lễ tấn phong Giám mục diễn ra tại Huế ngày 29 tháng 6 năm 1935. Khách thập phương cũng lần lượt kéo về từ ba miền Trung, Nam, Bắc. Trong số các đấng bậc phần đạo, người ta thấy Địa phận Bùi Chu có các đại biểu của Đức Cha Munagorri Trung: Juan Casado Thuận, D. Santos Ubierna Ninh, và hai cha bản quốc: Hà Kỳ Uyên, Hoàng Gia Huệ[17]. Địa phận Hà Nội có Cha Grégoire Lebourdais, Cha Trúc và Cha Léon Paliard, Bề trên Đại chủng viện Xuân Bích. Địa phận Phát Diệm có Đức Cha Nguyễn Bá Tòng và 4 cha. Địa phận Vinh có Cha Joseph Dalalex và Cha Radelet. Địa phận Huế có hơn 100 cha tề tựu. Địa phận Sài Gòn có Cha Matthêu Đức và ông Lê Phát An, là vị ân nhân lớn của Dòng Thánh Tâm.
Sáng thứ Bảy, ngày 29 tháng 6 năm 1935, cả trong lẫn ngoài nhà thờ Phủ Cam, là một rừng người khó mà đếm nổi. Nhìn lên cung thánh, người ta thấy có 6 vị Giám mục, và Đức Khâm sứ Tòa Thánh là vị chủ phong. Phụ tá ngài là Đức Cha Alexandre Paul Chabanon (Giáo), và Đức Cha Tòng. Ngoài ra còn có Đức Cha Allys (Lý), nghĩa phụ, Đức Cha Martial Jannin Phước, Địa phận Kontum, và Đức Tân Giám mục Cẩn. Cha chính địa phận Huế Francois Lemasle và cha Casado Thuận, giúp Đức Khâm sứ trong nghi lễ tấn phong. Cũng có Cha Marie Benard Meldiboure, Viện trưởng dòng Phước Sơn, Cha Bertin Dòng Phanxicô, Cha Edmond Dionne Dòng Chúa Cứu Thế, Cha Paliard hội Xuân Bích, và gần 130 linh mục.
Dưới cung thánh có các thượng thư Nam triều: Cụ Thân Thần Tôn Thất Hân, và ba thượng thư: bộ Lại, Tài chánh và Tư pháp. Bên bảo hộ có đại tá Frech và nhiều quan chức… giáo dân chật ních cả trong lẫn ngoài nhà thờ.
Lễ phong chức bắt đầu lúc 8g30, và kết thúc tốt đẹp theo đúng nghi thức. Đức Cha Cẩn, giờ đây với đôi chút tư lự hiện trên khuôn mặt, nhưng phong thái vẫn tiềm ẩn một niềm bình an sâu xa, ung dung đón những lời chúc mừng nồng nhiệt, rồi từ tốn đáp lại bằng Việt ngữ và Pháp ngữ, với những lời cảm ơn chân thành khiêm tốn.
Sau đây là nguyên văn bài đáp từ của Đức Tân Giám mục Cẩn, trong bữa tiệc mừng tại Dòng Thánh Tâm sau lễ tấn phong, bằng Pháp ngữ, được dịch ra Việt ngữ, đăng trong báo Sacerdos indosinensis:[18]
“Ngày này là ngày hệ trọng nhất trong đời tôi, lòng tôi quá cảm động, khó nổi cầm mình đặng. Quả thật, tôi rất đỗi thẹn thùng vì tôi yếu hèn, mà lại được quyền cả chức cao, lại được đồng bàn đồng tịch với những đấng sang quý thể này! Tôi khác nào trẻ con, đáng lẽ tôi phải mượn lời tiên tri Giêrêmia mà than thở rằng: “Tôi không biết nói, vì tôi là trẻ con”. Vậy vì tôi là trẻ con, nên tôi chỉ bập bẹ hai tiếng này: Tôi cảm tạ, tôi nguyện cầu.”
Cám ơn Chúa Cả, cảm tạ Đức Thánh Cha đã nâng đỡ người khó khăn lên khỏi bụi đất! Đã nhắc kẻ nghèo hèn khỏi đống phân tro, và đặt ngồi một hàng với các vì quân tướng dân Người.
Cám ơn Đức Khâm sứ, vì đã chọn tôi, và phong chức cho tôi. In Manibus tuis sortes meae, chính tay người đã đổ dầu thánh xuống trên trán tôi.
Cám ơn hai Đức Cha giúp phong chức tôi. Hai Đức Cha đã nhắc tôi đến cùng đấng phong chức như cha nhắc con, như anh dìu em.
Cám ơn cách riêng đức Giám mục An Nam đầu hết, Vì ngài có lòng thương tôi rất thiết yếu và thật lòng, nên đã làm cho tôi nhiều ơn lành, tôi không dám phô bày ra giữa công chúng kẻo mất lòng ngài rất khiêm tốn.
Tôi lại cám ơn đức Giám mục Địa phận Huế này, và cám ơn địa phận vì công tình nuôi nấng dạy dỗ tập rèn, và dắt dìu tôi đến bậc này. Tôi cám ơn Đức Cha già Lý, người là cha nuôi tôi rất đáng yêu mến, đã lo lắng cho tôi từ thuở tôi còn thơ ấu. Cám ơn Đức Giám mục Địa phận Kontum chẳng quản đường xa, trời bức sốt mà đến chia vui chia buồn với tôi.
Thân các Đức Cha, từ ngày nay tôi mới dám gọi các Đức Cha là đồng liêu tôi, và các Đức Cha đã chịu lấy tôi như thật anh em, chớ gì tôi khỏi biếng trễ mà chẳng noi theo các gương lành các đấng.
Sau hết cám ơn các đấng linh mục anh em tôi, các đấng thương tôi, hết lòng với tôi mà đến đây, tôi hết lòng biết ơn nhứt là vì các đấng đã cầu nguyện cho tôi trong dịp này. Đáng lẽ tôi phải cám ơn riêng từng người như lòng tôi mong ước; song le tôi sợ lâu quá mà phiền các ngài, nên tôi cám ơn và chúc tụng các ngài như tôi mới chúc tạ các Đức Cha.
Tôi cũng hết lòng cám ơn Đức Cha chính Bùi Chu là Đức Cha Munagorri, vì ngài đã tỏ tình thương tôi quá hậu, trong các thơ riêng ngài gửi cho tôi và mấy thơ chung người gửi cho địa phận đủ chứng tỏ điều ấy.
Cám tạ mấy lời rày tôi phải nguyện xin với Đấng Thánh Giám mục cả thành Hippona tài đức quán chúng mà trong bài giảng dịp chịu chức Giám mục, thì hằng lặp đi lặp lại lời này không biết nhàm biết mỏi: Anh em, hãy cầu nguyện cho tôi. Vậy phần tôi càng phải kêu xin các Đức Cha và các cha rằng: Xin hãy cầu nguyện cho Giám mục yếu hèn này.
Cho nên tôi xin cùng Đức Khâm sứ giúp tôi trong lời cầu nguyện và chúc lành cho tôi, hầu tôi có sức vác nổi gánh nặng nầy, kẻo có ngày Đức Thầy phải than rằng: Tôi ăn năn vì đã đặt người ấy lên.
Tôi xin cùng Đức Cha Bùi Chu là bề trên tôi vắng mặt, xin người cầu nguyện và chỉ vẽ để dẫn đàng tôi đi, hầu tôi nên con khôn làm nở mặt cha, và ứng nghiệm lời Đức Hồng Y áp tòa Tấn Giáo đã khuyên tôi rằng: hết lòng thành kính vâng lời như con với cha, hầu càng ngày càng nên xứng đáng một ngày cầm quyền cai trị Địa phận.
Xin các Đức Cha đoái thương tôi là em yếu hèn mới mẻ chưa tầng trải, cầu cùng Đức Chúa Thánh Thần ban cho tôi ơn soi sáng, khôn ngoan, sức mạnh. Xin các Cha đáng kính và yêu dấu năng nhớ đến bạn của các Cha, ít lâu nữa xác ở xa nhưng lòng trí vẫn gần gũi. Rất Thánh Trái Tim Đức Chúa Giêsu sẽ hội hiệp chúng tôi làm một cùng nhau. Bấy lâu chúng tôi cùng nhau làm việc một nơi, rày tôi phải đi làm nơi đất khác, con cái thánh Bổn mạng tôi đã trưng khẩn và đã tưới dầm dề mồ hôi và máu huyết. Chớ chi lời cầu nguyện của các cha làm cho tôi nên nông phu giỏi, cho tôi được trổ sinh hoa quả và hoa quả lại vững bền. Sau hết, làm một cùng các lời từ tạ cầu xin, xin các Đức Cha và các Cha chịu lấy lời kính chúc, sớm mai này tôi đã dâng cho Đức Cha phong chức tôi, là: Ad multos annos Vạn tuế.
MỪNG ĐỨC CHA HỒ NGỌC CẨN TẤN PHONG
MỪNG thay Nam Việt rất hân hoan
ĐỨC Giám mục tân đặng sắc ban,
CHA cả Giáo Hoàng ân tứ đệ
HỒ gia Giám mục đặng chen hàng.
NGỌC đai mão bạc quyền Công giáo;
CẨN thủ gậy vàng chức rất sang,
TẤN thọ trọn quyền chăn đất Việt,
PHONG Tông đồ vị giúp Nam bang. [19]
3) Nhiệm sở mới
Sau khi đã thu xếp, từ giã xứ Huế thân yêu, ngày 1 tháng 8 năm 1935, đoàn xe khởi hành từ Huế, tiễn đưa Đức Tân Giám mục ra Bắc. Phái đoàn gồm có hai linh mục Huế, hai thầy Dòng Thánh Tâm, bốn ông Hồng lô [20] và một số thân nhân Đức Cha . Dọc đường xứ Huế, các giáo hữu ngậm ngùi từ biệt rất cảm động.
Xế chiều mồng 2, phái đoàn về tới thành phố Nam Định, giáo dân tỏ lòng ngưỡng mộ, đã tổ chức một cuộc rước tưng bừng trên đại lộ chính chạy qua thành phố, dưới sự chỉ huy của cố Cao (André Vacquier, MEP) để đưa Đức Cha về nhà thờ Khoái Đồng, nơi đây có Đức Cha già Trung (Munagorri) và Cha Thuận (Casado) đón tiếp ngài.
Hôm sau, ngày 3 tháng 8 năm 1935, là cuộc nghinh tiếp vô cùng long trọng, từ Nam Định về Bùi Chu. Trên quãng đường dài khoảng 30 cây số, cờ bay phất phới giữa rừng người san sát hai bên, gồm giáo dân các xứ và cả lương dân cũng ra ứng trực, hoan hô không ngớt. Đặc biệt có những trạm chào được dựng lên hai bên đường với những biểu ngữ: “Hoan hô Giám mục bổn quốc”, “Lạy cha chúng tôi”. Khi tới Đồng Phù, có trạm của xứ Báo Đáp, Nam Trực, Dương A, Cổ Ra, Bách Tính với bốn chữ: “Bách Tính Âu Ca”. Tới Cổ Lễ, có thân hào giáo dân xứ Tương Nam, Trung Lao, Nam Lạng, An Lãng đứng đón sẵn với cổng chào, trên có ba chữ: “Chân Chủ Tể”. Trạm nào cũng có hội trống, hội kèn dồn dập chào mừng. Thường khi tới một trạm chào như vậy, Đức Cha xuống xe ban phép lành và thăm hỏi đôi lời, rồi lại tiếp tục cuộc hành trình.
Về tới đầu làng Bùi Chu là 10 giờ, giáo hữu thuộc ba tỉnh Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên chào mừng, hôn nhẫn. Liền đó ngài mặc phẩm phục, và được rước về Nhà thờ chính tòa Bùi Chu. Đến nơi, ngài dâng lời cảm tạ Thiên Chúa, cám ơn Tòa thánh, Đức Cha già và mọi người, trước khi chầu phép lành trọng thể.
Kết thúc giờ chầu, ngài được rước về Tòa Giám mục và nghỉ ngơi đôi chút, rồi sang bên hội trường thầy giảng, để các cha chào mừng. Trước hết, Cha Alejandro Gallego Nam, thay mặt Đức Cha già Trung và các Cha Dòng Đa Minh, đọc chúc từ bằng Pháp ngữ. Đại ý ngài giới thiệu với Đức Cha mới tình trạng đang lên của Địa phận Bùi Chu, do công lao gầy dựng ngót 300 năm của anh em dòng Thuyết Giáo, như “lá cờ đang bay phất phới trên đỉnh núi cao”, giờ được trao vào tay Đức Cha mới, và một cách tế nhị, ngài được nhắc nhớ phải bảo tồn công trình đồ sộ ấy…
Đức Cha mới ôn tồn xin lỗi Cha Gallego Nam, để đáp từ bằng Việt ngữ, đại ý ngài xác nhận công ơn của Dòng Đa Minh, và nói mình cũng đã biết bổn phận Giám mục là thế nào.
Rồi 3 giờ chiều hôm ấy, giáo dân rước hai Đức Cha sang Phú Nhai trên con thuyền rồng trang hoàng lộng lẫy, xuôi theo một nhánh sông nhỏ, chảy qua cánh đồng từ phía Tòa Giám mục Bùi Chu sang Phú Nhai. Các viên chức, các hội đoàn đi trên đường bộ, có tới khoảng 40 hội kèn đồng, hội trắc, bát âm… thay nhau cử nhạc, vang dội cả một góc trời.
Đến 5 giờ 30 tới Phú Nhai, hai Đức Cha lên bộ, vào trạm chào của xứ. Đức Tân Giám mục bận phẩm phục, tiến tới xông hương tượng Thánh sư, rồi rước kiệu vào nhà thờ chầu phép lành. Cả khu đền thánh làng Phú Nhai, đèn lớn, đèn nhỏ rực sáng một góc trời. Các “khải hoàn môn” được dựng lên khắp các lối ra vào làng. Đêm ấy có lẽ ít ai ngủ, vì các nhà khách trọ đã chật đầy, mà trong sân nhà thờ còn đông như kiến. Trên sông, nhan nhản các con thuyền đến từ các họ Đức Bà, Trà Bắc ra đến chợ Trung sang Trà Đoài.
Sáng hôm sau, ngày 4 tháng 8 năm 1935, lúc 8 giờ, Đức Tân Giám mục cử hành thánh lễ đầu tiên, trước sự hiện diện đông đảo của mọi thành phần dân Chúa. Trên cung thánh, Đức Cha già với phẩm phục đại triều chầu lễ, các linh mục Tây và Nam y phục theo lễ nhạc. Dưới cung thánh là các chức sắc phẩm phục chỉnh tề. Ca đoàn Đại chủng viện hát lễ đặc biệt kính Thánh Đa Minh. Giáo dân từ ba tỉnh Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên, đều nô nức kéo về, để cung chiêm tận mắt người cha tinh thần, và lãnh phép lành từ tay vị chủ chăn mới trong thánh lễ “Đầu Dòng”[21], lễ truyền thống chung của Địa phận Bùi Chu, cũng là bổn mạng của Đức Tân Giám mục. Theo hai tờ nhật báo “Đông Pháp” và “Trung Hòa” đưa tin, thì số người đến dự lễ Đầu Dòng và nghinh tiếp Đức Tân Giám mục hôm đó lên đến hơn 100.000 người.
4) Giám mục phó
Tròn một năm sống âm thầm trong chức Giám mục phó, hầu như ngài chưa hoạt động gì ngoài sự sắp đặt của Đức Cha già Trung. Tận dụng thời gian này, ngài tìm hiểu và hòa mình với phong tục, lối nghĩ, cách ăn ở của người miền Bắc, trong tinh thần hy sinh và khiêm tốn.
Ngày 10 tháng 9 năm 1935, ngài cùng Đức Cha Trung đi thăm Địa phận Hà Nội, thăm quan phó Toàn quyền Yves-Charles Chatel và quan Thống sứ Tholance[22]. Ngày 30 tháng 9 năm 1935, ngài đi kinh lý xứ Lạc Đạo trong ba ngày, làm phép Thêm Sức cho hơn 500 trẻ, đến thăm xứ Quần Lạc, rồi mới trở về[23]. Đến ngày 6 tháng 11 năm 1935, ngài cùng Đức Cha Tòng đi thăm Hải Dương, thuộc Địa phận Hải Phòng. [24]
Kỳ cấm phòng hàng năm của các linh mục toàn địa phận, thường được tổ chức vào sau lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm. Năm nay Đức Cha phó đứng ra lo việc giảng huấn. Vào kỳ hè, ngài tổ chức cho các thày ở các nhà giáo (địa điểm truyền giáo ở giữa các xóm lương dân) trong cả địa phận, về tĩnh tâm tại Nhà chung Bùi Chu. Ngài xếp đặt chương trình, các bài giảng huấn đức, nói chuyện…cách hợp lý, khiến các linh mục, các tu sĩ ai nấy đều tỏ vẻ thán phục.
5) Giám mục địa phận Bùi Chu
Ngày 17 tháng 6 năm 1936, Đức Cha già Trung tạ thế, ngài đứng ra lo tổ chức lễ an táng trọng thể với sự cộng tác của hàng giáo sĩ địa phận. Thi hài đức cố Giám mục Pedro Munagorri Trung được yên nghỉ trong cung thánh Nhà thờ chính tòa Bùi Chu, hưởng thọ 71 tuổi, với 29 năm coi sóc địa phận[25].
Sau ngày an táng vị tiền nhiệm, Đức Cha Cẩn chính thức bắt tay vào phận vụ của một mục tử. Được thừa hưởng dòng máu của người miền Trung, đầy ý chí và nghị lực, kết tụ trong tinh thần nhẫn nhục và hy sinh, với khẩu hiệu đã chọn “IN OMNI PATIENTIA ET DOCTRINA” (Hết lòng nhẫn nhục và tận tâm giáo huấn), ngài đã vượt mọi khó khăn, đi sát vào thực tế để tổ chức lại guồng máy địa phận.
6) Đối diện với thực tế ban đầu
Giáo phận Bùi Chu vừa là chiếc nôi của địa phận Đông Đàng Ngoài, vừa là địa điểm mà các nhà truyền giáo gặt hái được nhiều kết quả. Với con số Kitô hữu đông nhất trong các giáo phận Đông Dương thời ấy. Ngày 9 tháng 3 năm 1936, trước khi Đức Cha già Trung tạ thế, Tòa Thánh đã quyết định tách Địa phận Bùi Chu ra, để thiết lập địa phận mới là Thái Bình.
Vậy Tòa Thánh đã ra lệnh lấy sông Hồng Hà làm ranh giới, từ cửa Ba Lạt Ngô Đồng, ngược lên tới ngã ba sông Hồng Hà – sông Đào (Nam Định) chảy ra cửa Đáy. Bên bắc ngạn Hồng Hà là phần đất thuộc Địa phận Thái Bình. Còn bên nam ngạn là Địa phận Bùi Chu. Địa phận Thái Bình gồm hai tỉnh: Thái Bình và Hưng Yên, với khoảng 120 ngàn giáo dân, do Đức Cha Casado Thuận coi sóc [26]. Còn lại 3/4 tỉnh Nam Định thuộc địa phận Bùi Chu, với khoảng 30 ngàn giáo dân. Đa số thuộc tầng lớp lao động nghèo.[27]
Tình trạng lúc đó thật khó khăn, kinh tế eo hẹp, nhân lực thiếu thốn. Nhưng Đức Cha cứ vững tay cầm lái, thiết lập Hội đồng quản trị cho địa phận. Các thành phần gồm Cha chính Đinh Phúc Cảnh; Cha Phạm Văn Lục làm Quản lý Nhà Chung; Cha Đa minh Chí, bí thư Tòa Giám mục; Cha Hoàng Gia Huệ, Giám đốc Tiểu chủng viện; Cha Lê Hữu Cung, Giám đốc trường Thử (sau làm Giám mục Bùi Chu). Ngoài ra, có thêm 11 vị Quản hạt mới. Tất cả được chọn bằng cách bỏ phiếu kín, vì đây là lần đầu tiên chọn lựa, Đức Cha chưa biết hết các linh mục của mình. Tuy nhiên, cứ nhìn vào công việc các vị làm sau này, ai cũng thấy việc chọn lựa thật là chính xác.
Thực tế vốn đã có nhiều vấn đề, nay lại thêm phức tạp do việc chia địa phận, chia người chia của. Thế nhưng Đức Cha đã hành xử một cách tế nhị, giải quyết vấn đề một cách khôn ngoan và độ lượng. Ngài đã vượt qua những khó khăn thiếu thốn ban đầu với một tâm hồn quả cảm đầy đức tin và lòng tín thác vào Thiên Chúa. Cùng với ân sủng, ngài từng bước canh tân và phát triển giáo phận về mọi mặt. Quả thật, sau 13 năm làm Giám mục, giáo phận thân yêu này đã có một bộ mặt mới và hứa hẹn một tương lai sáng lạn như ta sẽ thấy sau này.
7) Văn hóa – Giáo dục
Đức Cha cho mở các trường học tại những miền quê hẻo lánh, giúp trẻ em con nông dân đến trường học đọc, học viết. Tại Trung Linh có Trường tiểu học Thánh Gia, do các Sư huynh La San đảm trách giáo dục, quy tụ học sinh từ các vùng lân cận về đây, không phân biệt lương giáo, thể hiện rõ tinh thần đoàn kết, (thời ấy trên lãnh thổ Địa phận Bùi Chu không có trường trung học nào, ngoài Tiểu chủng viện Ninh Cường, tại Thành phố Nam Định cũng chỉ có mấy trường Trung học đệ nhất cấp: Enseignement secondaire du ler cycle, tức phổ thông cấp hai ngày nay).
8) Kinh tế – Xã hội
Đức Cha khuyến khích dân chúng sống ở miền châu thổ Lạch Đài (Đáy), Lạch Lác phát triển chăn nuôi, trồng cấy, lao động cần cù để nâng cao mức sống. Vùng ven biển phía Văn Lý, Quất Lâm phát triển nhờ nghề làm muối và chài lưới. Ngoài ra, ngài kêu gọi mọi người tích cực làm nghề phụ như dệt cửi, thêu đan và các nghề thủ công khác. Cuộc sống người dân ngày càng khá hơn, bộ mặt nông thôn Bùi Chu được khởi sắc.
Về xã hội, Đức Cha khơi dậy trong dân chúng tinh thần đoàn kết, biết quý trọng, đề cao truyền thống văn hóa, thuần phong mỹ tục. Đồng thời, ngài viết nhiều thư luân lưu, kêu gọi mọi người xây dựng nếp sống văn minh, lên án các tệ nạn xã hội: cờ bạc, rượu chè, thuốc phiện[28]. Đức Cha cũng tiếp tục phát triển bệnh viện Thánh Tâm, do các nữ tu Dòng Thánh Phaolô điều khiển, rồi nhà Thiên Thần (cô nhi, tàn tật). Cả hai cơ sở đều gần Tòa Giám mục.
9) Đại Chủng viện và Tiểu Chủng viện
Đức Cha rất quan tâm đến việc đào tạo giáo sĩ. Có lần ngài nói với chủng sinh: “Chủng viện là nửa phần công việc Giám mục của cha”. Trước khi Đức Cha về Bùi Chu đã có Trường Tập ở Trung Linh. Tại đây, từ cuối thế kỷ 18, đã là Trường Lý Đoán (Đại chủng viện). Ngoài ra còn có Tiểu chủng viện Ninh Cường và Trường Kẻ Giảng.
Đại chủng viện trước đây được đặt tại Trung Linh hay Phú Nhai, Bùi Chu. Năm 1930, Giáo hoàng Chủng viện Alberto Nam Định mở cửa đón nhận chủng sinh các địa phận dòng, chủng sinh Bùi Chu cũng tới đó thụ huấn. Năm 1939, Đại chủng viện chính thức đặt tại Quần Phương. Đến năm 1952, vì hoàn cảnh chiến tranh, toàn bộ Ban giáo sư và Chủng sinh phải di chuyển lên Hà Nội.
10) Huấn luyện
Trước hết, đối với các linh mục, hằng năm có tuần cấm phòng chung. Đây cũng là dịp cho các vị lặp lại lời đoan thệ khi chịu chức linh mục. Hằng tháng, các Cha đến trụ sở của các Cha quản hạt để hồi tâm. Đối với những hạt gần Tòa Giám mục, ngài đích thân đến chủ tọa giảng giải, huấn đức, nói chuyện thân tình…Với những hạt ở xa, ngài trao đổi bằng thư từ, các đề tài giảng thuyết…tất cả mọi phương tiện ấy, đều nhắm đến một mục đích là hun đúc sự thánh thiện nơi các linh mục.
Ngài dặn dò các Cha qua sáu câu “Hãy nhớ”[29]:
– Hỡi Linh mục, Thầy hãy nhớ mình là người, nên Thầy cũng là tro bụi, có ngày sẽ trở về bụi tro.
– Hỡi linh mục, Thầy hãy nhớ mình đã là linh mục thì hãy sống xứng đáng bậc linh mục.
– Hỡi linh mục, Thầy là Chúa Kitô khác, nên hãy đề phòng kẻo trở thành Phản Kitô.
– Hỡi linh mục, Thầy hãy nhớ mình là sự sáng thế gian, hãy lo cho ánh sáng của Thầy được sáng soi mọi người.
– Hỡi linh mục, Thầy hãy nhớ mình là muối đất, hãy đề phòng kẻo gương xấu Thầy làm hư hỏng ai chăng.
– Hỡi linh mục, Thầy hãy nhớ mình là linh mục đời đời, hãy đề phòng kẻo trở thành linh mục đời đời luận phạt.
Sau khi diễn tả sáu câu Hãy nhớ, Đức Cha mượn lời Thánh Phaolô nói với Timôthê xưa mà dặn dò các linh mục: “Xin các cha hãy nhớ sáu câu trên đây, và hãy sớm thực hiện để mọi người đều biết các cha đang tấn tới.” (x. 1Tm 4, 15)
Thứ đến, Đức Cha quan tâm cách riêng những Đại chủng sinh đang tập thử, và các Thầy giảng tình nguyện dấn thân giúp các giáo hữu tân tòng. Ngài rất am hiểu hoàn cảnh các thầy, nên năng ban lời an ủi, khích lệ, và hứa giúp đỡ khi có những nhu cầu cần thiết được trình báo với ngài.
Đại chủng viện Quần Phương là nơi quy tụ các thầy đã qua một thời kỳ đào luyện khá dài, và sẽ được sai đi làm việc trong vườn nho của Chúa. Vì thế, Cha Giám đốc, các Cha giáo sư được Đức Cha đặc cử vào trường này đều là những vị đạo đức, học thức, khôn ngoan, để giảng dạy các chủng sinh, hy vọng sau khi chịu chức linh mục, các thầy có thể thi hành tốt đẹp chức vụ thánh của mình.
Tiếp đến là Tiểu chủng viện Ninh Cường, nơi đào tạo những thanh thiếu niên biết ý thức về cuộc đời dâng mình làm vinh danh Chúa và phục vụ Giáo hội. Với lứa tuổi còn nhiều thay đổi, nhưng dễ dàng cho sự uốn nắn, Đức Cha tuy không thường xuyên trực tiếp giảng dạy, nhưng cũng quan tâm bổ nhiệm những linh mục, giáo sư khôn ngoan, đạo đức, để hướng dẫn đường thánh thiện và học vấn… Tại đây, các tiểu chủng sinh được trau dồi về La văn, Tân, Cựu ước, và một số môn học khác thuộc lãnh vực đạo cũng như đời.
Tại Trường Tập Trung Linh (Probatorium), các mầm non của Giáo hội được ươm trồng và luyện tập từ khi còn rất nhỏ, học hết chương trình tiểu học Việt – Pháp. Hằng tuần Đức Cha thân hành qua đây dạy dỗ, uốn nắn các em từ những điều tỉ mỉ trong cách ăn ở lối sống, đến những phương thế tập tành cho nên người tài đức song toàn. Mùa hè, các chủng sinh rời trường, thoát khỏi vòng tay của các vị hữu trách, nhưng vẫn được Đức Cha ân cần chăm sóc và gián tiếp ủy lạo, huấn giáo qua tập sách “Tu sĩ hộ thân lưu hạ kỳ” do chính ngài biên soạn.
Đối với những nhà Phước trong địa phận, Đức Cha lưu tâm cập nhật hóa nội quy, ấn hành thủ bản, để các bà, các chị em tuân giữa cho hợp thời hợp lý, và vững tâm đi đàng thánh thiện.
Một lần kia có một nhóm các thầy đến chào mừng Đức Cha, ngài vui vẻ trò chuyện, rồi đọc cho các vị ấy nghe một bài thơ Hán tự, dùng từ lắt léo bằng những chữ thông thường, nhưng bắt phải suy tư. Điều này chứng tỏ ngài quan tâm đến bậc tu trì, lại am hiểu và giàu kinh nghiệm trong bậc sống này. Bài thơ được linh mục Vũ Đình Trác sao chép và dịch ra Việt ngữ như sau:
TU NHÂN HUẤN ĐỨC[30]
Ly thân, ly thận, ly thần,
Luyện thân, luyện thận luyện thần đạo tu.
Vô phu vô phụ vô phù
Vi phu vi phụ phụ phù sinh linh.
Hồn tinh tâm tĩnh tính tình,
Minh tinh dạ tĩnh, dục tình bất dao.
Như tao kiến tạo bất tào,
Ba tao thủy táo vô tao loạn thần.
Chấp cân chính cận công cần,
Phục trung nghi cẩn, ân cần lễ nghi.
Minh tri lịch trị chí trì.
Chí trì hữu trí tốc trì hữu canh.
Sự than đắc thạnh ý thành,
Vinh thanh hiển thánh lộc thành thiên cung.
Dịch ra tiếng Việt:
Bỏ mình, bỏ thận dục, bỏ tinh thần thế tục,
Luyện thân, luyện thận dục, luyện tinh thần tu đạo.
Không chồng, không vợ, không phù vân,
Làm cha làm mẹ để phù giúp mọi người.
Hồn trong tim sạch, đúng tính tình,
Như sao sáng đêm thanh dục tình không động.
Thanh tao xây dựng không ồn ào,
Sóng tình động, khô héo, không sạch, loạn thần.
Cầm cân nảy mực cho cẩn thận,
Phục vụ cho đúng, lễ nghi nghiêm chỉnh.
Hiểu rõ, biết cai trị, có ý chí,
Có chí thì sáng suốt, thiếu gan thì lộn xộn
Thanh liêm ngay thẳng sẽ thịnh đạt,
Sẽ vinh quang hiển thắng phúc lộc trên trời.
11) Thành lập hội đoàn
Ngài thành lập các đoàn thể Công giáo tùy theo lứa tuổi. Nghĩa binh Thánh Thể cho thiếu nhi, Công giáo tiến hành cho thanh niên, Trung binh cho thanh nữ. Đối với dòng Ba Đa Minh dành cho cao niên, đã được thành lập từ lâu do các cha Đa Minh, nay Đức Cha cổ võ cho mạnh hơn.
12) Giáo lý
Giáo lý được đặc biệt chú trọng, Đức Cha soạn sách “Bổn đồng ấu” cho trẻ em, tái bản sách “Thánh giáo thuyết minh” cho người lớn. Ngài khuyến khích học giáo lý bằng cách tổ chức thi Kinh bổn, giáo lý. Già trẻ lớn bé đều có thể hỗ trợ nhau sống vững vàng hơn, nhờ các phong trào, đoàn thể.
13) Bí tích
Để giúp các “con bệnh tâm linh” ý thức và hiểu biết sâu xa hơn về một “phương thức linh nghiệm” là Bí tích Giải tội, giúp việc xưng tội sinh nhiều hiệu quả thiêng liêng, ngài viết cuốn “Cáo giải linh đơn”, đồng thời bãi bỏ thói quen giải tội ban đêm để tránh những lạm dụng đáng tiếc.
Ngài lập hội lễ Misa để gây ý thức cho giáo dân biết hỗ trợ nhau, hưởng nhờ ơn ích của Thánh lễ khi sống và khi đã qua đời. Ngài còn soạn thêm cuốn “Xem lễ theo sự Thương khó Đức Chúa Giêsu”, với hướng dẫn chi tiết, có kèm theo những hình ảnh cụ thể, với mục đích nâng cao sự hiểu biết về phụng vụ Thánh lễ cho giáo dân. Thiết tưởng vào thời điểm trước Công đồng Vatican II, khi phụng vụ vẫn còn được cử hành bằng La ngữ, thì đây là một sáng kiến thích nghi rất độc đáo, giúp giáo dân tham dự vào mầu nhiệm Thánh lễ tích cực hơn.
Các bí tích khác cũng được ngài hướng dẫn để giáo dân biết cách tham dự sống động qua “Bản giải nghĩa bảy bí tích và kinh bản”, cuốn sách đơn sơ nhưng cô đọng căn bản thần học.
14) Lòng sùng mộ
Việc sùng kính Thánh Thể được cổ võ nhiệt liệt, nhất là nơi đoàn Thiếu nhi Thánh Thể. Những buổi làm Giờ Thánh trang nghiêm, sốt sắng do chính ngài hướng dẫn trong sách “Nửa giờ chầu Chúa”; những cuộc kiệu Thánh Thể tổ chức trong từng giáo hạt. Năm 1937, ngài cùng với Đức Cha Tòng, và đoàn tín hữu Đông Dương, đáp tầu “Sphinx” đi dự đại hội Thánh Thể toàn cầu lần thứ 33 tổ chức tại Manila từ ngày 3 đến ngày 7 tháng 2 năm1937.
Nếu Thánh Thể là trung tâm quy chiếu mọi hoạt động của ngài, thì lòng yêu mến Thánh Tâm thúc giục ngài cổ võ đoàn chiên say yêu thờ kính Thánh Tâm trong đời sống, trong phụng vụ. Điều này được thể hiện rõ qua những hướng dẫn phong phú trong tập sách “Tháng rất thánh Lái Tim Chúa Giêsu”.
Sau Thánh Thể và Thánh Tâm, ngài có lòng yêu mến Đức Maria. Đối với ngài, hình ảnh Mẹ Thiên Chúa rất sống động nơi tâm tình hiếu thảo, tin tưởng và cậy trông, được diễn tả cách chân thành nơi các bài giảng kết thúc các tuần tĩnh tâm[31]. Trong sách Cha mẹ dạy con, ngài lưu ý các bậc phụ mẫu phải dậy con biết đàng kính mến Đức Mẹ.
“Ớ con, con còn nhớ: lúc con hãy còn bé thơ, thuở con đi chưa vững, thì con chẳng mấy khi rời mẹ, mẹ thường hằng bữa với con, con làm chuyện gì cũng kêu đến mẹ, mẹ vừa nghe tiếng liền chạy đến con. Ớ con, nay con hãy ở cùng Đức Mẹ như vậy, Người thật là mẹ con, dầu không phải là mẹ đẻ, song nào mẹ đẻ dám bì. Người là mẹ hay mến hay thương, là mẹ có tài có phép: đức từ bi nan ví, quyền bầu chữa khôn đương. Còn phận con, tuy đã nấy tuổi đầu, song còn đang dại ngộ, dại ngộ trong việc xử đời, dại ngộ trong đàng phần rỗi; thương thay, lại có ba thù, rình hại con như muôn thú dữ; khốn khó còn vây ngàn nỗi, ở thế gian tợ biển ba đào. Vậy thì con chớ rời tay Đức Mẹ, hằng phải trắn tríu mến yêu, phải năng cầu xin van vái. Con phải phú thác xác hồn con trong tay Đức Mẹ thì con hằng đặng chắc chắn vững an. Chớ ngày nào con dám quên Đức Mẹ: thuở còn bé ngủ trong nôi con vừa thức dậy liền kêu mẹ, nay hằng ngày vừa chỗi dậy, con cũng đừng quên kêu đến Đức Mẹ. Mỗi ngày không chỉ ít nữa buổi mai khi thức dậy, buổi tối soạn đi nằm, con hãy đọc một kinh Kính Mầng hoặc kinh nào khác, để dâng mình cho Đức Mẹ, cùng xin Người gìn giữ con ban ngày, xem sóc con ban đêm, khỏi mọi sự dữ đặng mọi sự lành; sống đặng bình an thanh sạch, chết lại bằng tịnh hỉ hoan. Ớ con, hãy nhớ lời các thánh dậy: Ai thật lòng tôn kính Đức Mẹ thì chẳng phải hư mất đời đời”.
Hãy dâng mình làm con Đức Mẹ, thì Người hằng tỏ lòng mẹ với con, lúc gian truân Người hằng an ủi; lâm cám dỗ Người sẽ che chở. Con kêu đến Người một tiếng, Người xuống muôn ơn cho con. Con chớ hẹp hòi cùng Đức Mẹ thì Người hằng ở rộng rãi cùng con; con muốn nhờ phước lành Mẹ, thì hãy tỏ tình con thảo.
Ớ con, tràng chuỗi Môi Khôi, bộ Áo Đức Mẹ, đó là dấu kẻ làm con Đức Mẹ, con hãy siêng năng lần hột, sốt sáng mang Áo, thì Đức Mẹ hằng bầu chữa cho con khi sống, đến khi chết Người lại cầm giữ. Amen.
Thành tâm thờ Mẹ Chúa Trời
Sống đà khỏi sợ chết thời hỉ hoan;
Lâm cơn khổ hãi gian nan,
Có Người bầu chữa ủi an dắt dìu.
Vậy khuyên con hãy mến yêu,
Cùng làm tôi Mẹ chớ liều bỏ lơ”
Ngoài ra, ngài sao lục cuốn “Tháng Đức Bà” giúp giáo dân đi vào sự sùng kính Mẹ Thiên Chúa theo đúng tinh thần phụng vụ. Khai sinh Dòng Mân Côi, ngài chọn ngày 8 tháng 9 là ngày lễ Sinh nhật Đức Mẹ để tuyên sắc lập dòng, vì ngài “muốn cho nhà dòng ra đời cũng một ngày như Đức Mẹ, để cậy nhờ Đức Mẹ phù hộ cho mà theo gương Đức Mẹ, càng lớn lên thì càng thêm nhân đức giọn lành”.
Ngài cũng có lòng tôn kính đặc biệt một số vị thánh, như thánh Đa Minh, là bổn mạng ngài, cũng là vị thánh được giáo hữu Bùi Chu sùng kính cách riêng, nên ngài thành lập Tạp chí “Đa Minh bán nguyệt”. Ngài sốt sáng cậy nhờ các thánh Tử Đạo Việt Nam. Riêng với thánh Giuse, nhờ tập “sách Tháng thánh Giuse” do chính ngài biên soạn, việc sùng kính vị thánh Cả trở nên sinh động, có nội dung giáo lý sâu đậm, đặc biệt vào tháng 3 là tháng Giáo hội dành riêng để kính Người.
15) Phụng vụ
Ngài ôn tập phụng vụ cho các cha vào tuần tĩnh tâm hằng năm. Các lễ sinh cũng được huấn luyện chu đáo. Ngài sửa đổi các lễ nghi rườm rà, tổ chức các cuộc rước, dâng hoa theo mùa phụng vụ. Ngài chú trọng đến tinh thần của lòng sùng mộ, cũng như ý nghĩa bên trọng của nghi lễ khác với trước đây. Ngài thường nói nửa đùa nửa thật, là các giáo hữu đi đạo “Đàng Ngoài”[32]
16) Truyền giáo
Năm 1942, ngài lập Ban Truyền giáo địa phận, do Cha Trần Đình Thủ đứng đầu, nhóm 13 thầy giảng làm tông đồ. Trước mặt ngài, Bùi Chu mở ra cánh đồng truyền giáo mênh mông đầy hứa hẹn, nên ngoài việc thăm viếng thường xuyên, Đức Cha còn lập quỹ truyền giáo, kêu gọi mọi thành phần tích cực tham gia, bằng cách đóng góp của cải, nhân sự…
17) Cái nhìn xa
Vốn có tâm hồn nhạy cảm trước một thực tế có những đổi thay, trong khi lo huấn luyện, canh tân hàng giáo sĩ, Đức Cha nhìn thấy nhu cầu Giáo hội địa phương trong tương lai, qua những công việc mà chị em nhà Phước đang góp phần mình cho địa phận trong hiện tại. Công đồng Đông Dương như luồng gió mới thổi vào Giáo hội Việt Nam, ngày 24 tháng 11 năm 1941, Đức Cha đệ đơn lên Tòa Thánh xin phép lập một dòng nữ thuộc quyền địa phận. Một phần vì lợi ích của các chị em nhà Phước dòng Ba ông thánh Đôminicô và dòng Mến Thánh Giá, để được sống theo lề lối dòng chính thức, có ba lời khấn dòng như Công đồng Đông Dương ao ước. Đàng khác, vì lợi ích cho địa phận, không những bởi lời cầu nguyện, sự hy sinh khổ chế, mà còn bởi những công việc chị em sẽ làm sau này[33]. Vì tình hình khó liên lạc do thế chiến thứ II (1939 – 1945), tờ đơn đầu tiên bị thất lạc. Không nản lòng, ngày 10 tháng 6 năm 1946, Đức Cha lại đệ đơn lên Tòa Thánh xin lập dòng một lần nữa. Kết quả là vào một buổi chiều gần cuối tháng 8, ngài nhận được phúc thư, ký ngày 18 tháng 7 năm 1946, của Thánh Bộ Truyền Giáo ban phép lập Dòng “Chị em Con Đức Mẹ Mân Côi”, thêm hai chữ “Bùi Chu”[34].
Trong thời gian chờ đợi quyết định của Tòa Thánh (1941 – 1946), Đức Cha đã chuẩn bị tươm tất những gì căn bản và cần thiết cho đứa con sắp chào đời. Ngài chọn lễ Sinh nhật Đức Maria ngày 8 tháng 9 năm 1946 làm ngày tuyên sắc lập dòng tại Trung Linh, Bùi Chu, sau khi đã ký sắc ngày 1 tháng 9 năm 1946. Ước nguyện của ngài đã được thành tựu. Tuy nhiên, chỉ hơn 2 năm sau, ngài đã rời bỏ đoàn con trở về với Chúa, khi dòng mới chập chững bước vào đời với muôn vàn khó khăn thử thách.
[1] Kẻ Văn nay thuộc xã Hải Hòa, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị (Lm. Anrê Ngô Văn Nhơn, sđd, tr. 100).
[2] Kẻ Hạ ở phía Bắc Quảng Bình.
[3] Nam Kỳ địa phận, 1935, tr. 295.
[4] Chú thích của Nam Kỳ địa phận, 1911, tr. 798.
[5] Xem phần “Trước tác văn học”.
[6] Cha Henri Denis, quen gọi là cố Thuận, sinh ngày 17 tháng 08 năm 1880, tại Boulogne-sur-mer, Pháp. Thụ phong linh mục ngày 7 tháng 3 năm 1903. Gia nhập hội Thừa sai Paris (M.E.P.) Giáo sư chủng viện An Ninh: 1903-1908, lập dòng Phước Sơn tại Quảng Trị. Trong dòng, ngài mang tên Benoit. Qua đời tại Phước Sơn ngày 25 tháng 7 năm 1933. Cố Thuận là ông tổ các dòng Xitô ở Việt Nam ngày nay.
[7] Dòng Phước Sơn, Hạnh tích cha Benoit, Henri Denis cố Thuận, Tổ phụ Chi Dòng Xitô Thánh Gia Việt Nam, tr. 96.
[8] Từ lâu Đức Cha Lý đã có ý định lập Dòng này, nhưng mới manh nha, chưa thành hình, (Nam Kỳ địa phận, 1935, tr. 296).
[9] Souverains et Notabilités d Indochine, Hà Nội, 1934, tr. 8.
[10] Primum concilium indosinense, anno 1934, Hà Nội, 1938, tr. 4,7,125.
[11] Sacerdos indosinensis, 1935, tr 240.
[12] Đức Cha Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng (1868-1949) sinh tại Gò Công thuộc tỉnh Tiền Giang ngày nay; học Đại chủng viện Sài Gòn, thụ phong linh mục ngày 19 tháng 1 năm 1896; sau 20 năm làm bí thư Tòa giám mục Sài Gòn, Cha Tòng được cử làm Cha sở Bà Rịa, rồi làm Cha sở Tân Định, cho đến khi được tấn phong Giám mục tại Roma ngày 11 tháng 6 năm 1933, nghỉ hưu từ ngày 27 tháng 12 năm 1943, trao quyền cho Đức Cha Phan Đình Phùng coi sóc địa phận; qua đời tại Phát Diệm ngày 11 tháng 7 năm 1949.
[13] Nam Kỳ địa phận, 1935, tr. 695.
[14] Sacerdos indosinensis, 1935, tr 231
[15] Ntr., tr. 232
[16] Lm. Phạm Văn Lục, Lịch sử Địa phận Bùi Chu khi được giao sang hàng giáo sĩ bản quốc, bản viết tay, tr. 28.
[17]Lm. Phạm Văn Lục, sđd, tr. 35.
[18] Sacerdos indosinensis, 1935, tr. 236-238.
[19] Paul Nguyễn Tứ Đại (Tha La), Nam Kỳ địa phận, 1935, tr. 356.
[20] Phần này, hầu hết được tổng hợp từ tài liệu đánh máy của thày Gioakim Ngô Hữu Phán, Sơ lược tiểu sử Đức Cha Đa minh Hồ Ngọc Cẩn, Tổ phụ dòng Mân Côi, tr. 1-3, và của Lm Phạm Châu Diên, sđd, tr. 25-27.
[21] Lễ Thánh Đa Minh, Đấng sáng lập Dòng Thuyết Giáo, tức Dòng Đa Minh. Sở dĩ Bùi Chu mừng lễ này long trọng từ lâu đời, và ngày nay vẫn giữ truyền thống đó, là để nhớ ơn con cái Cha Thánh Đa minh, đã đến phục vụ tại vùng này liên tục từ thế kỷ 17 đến giữa thế kỷ 20.
[22] Nam Kỳ địa phận, 1935, tr 300.
[23] Ntr, tr. 648.
[24] Ntr, tr. 731-738.
[25] Lm. Phạm Văn Lục, Sđd, tr. 49.
[26] Cha Juan Casado Obispo Thuận sinh 27 tháng 12 năm 1886 tại Tây Ban Nha, mặc áo dòng Đaminh ngày 7 tháng 12 năm 1902; thụ phong linh mục tại Phú Nhai 28 tháng 1 năm 1911; phục vụ tại Quất Lâm; làm thư ký của Đức Cha Trung 1924 – 1926; làm Quản lý đia phận Bùi Chu 1926 – 1936; được bổ nhiệm Giám mục đại diện Tông tòa Thái Bình ngày 9 tháng 3 năm 1936. Tấn phong Giám mục tại Thái Bình ngày 2 tháng 8 năm 1936 do Đức Cha Gomez Lễ, Giám mục Hải Phòng từ 1933-1952. Đức Cha Thuận qua đời ngày 22 tháng 1 năm 1941 tại Tây Ban Nha.
[27] Sđd, tr. 53.
[28] Đức Cha Đa Minh Hồ Ngọc Cẩn, Thư luân lưu Mùa chay cả, Bùi Chu, 1938, 1941.
[29] Trích trong cuốn “Tưởng niệm và tri ân Đức Cha Đôminicô Maria Hồ Ngọc Cẩn”, Dòng Mân Côi, tr. 55.
[30] Về bài thơ này, hiện chúng tôi có trong tay 3 bản sao, mỗi bản đều có sai biệt nhau đôi chút:
1- Do một tác giả vô danh ở Huế “thừa sao y bản chính” với nhan đề “Bài thơ Đức cha Hồ Ngọc Cẩn đáp từ các cha khi về nhận địa phận Bùi Chu”;
2- Do thầy Gioakim Ngô Hữu Phán, nhan đề “Tu gia ca vịnh” trong “Sơ lược tiểu sử đức ca Đaminh Hồ Ngọc Cẩn, Tổ phụ dòng Mân Côi”, tr. 11;
3- Do Lm.Vũ Đình Trác, nhan đề “Tu nhân huấn đức” trong 25 năm hồng ân, do chi nhánh dòng Mân Côi Hoa Kỳ thực hiện, tr. 84.
[31] Bài giảng các ngày Chúa Nhật, Lễ trọng quanh năm, Bài 13, tr. 30.
[32] Đàng Ngoài (miền Bắc), Đàng Trong (miền Nam); cũng có nghĩa “ở bên ngoài”, hời hợt, không sâu sắc, chỉ có hình thức mà không nội dung.
[33] Đức Cha Hồ Ngọc Cẩn, sđd., tr.10.
[34] Ntr, tr.8.