Đức Cha sống rất đơn giản, tiếp xúc dễ dàng với mọi hạng người, người Việt Nam cũng như người đồng hương của ngài. Ngài ôn tồn đối với các chính quyền Pháp -Việt sẵn sàng giúp đỡ khi cần thiết.
Đức Cha Allys được trao tặng huy chương Chevalier de la Légion d’honneur (tạm dịch ‘Bắc Đẩu Bội Tinh Đệ Ngũ Đẳng’), bằng sắc lệnh của quan Toàn Quyền Đông Dương Albert Sarraut ngày 05 tháng 2 năm 1921. Ngày 14 tháng 7 năm 1921, ông Pierre Pasquier, toàn quyền chính phủ Pháp tại Việt Nam đã long trọng trao huy chương này trước sự hiện diện quân đội hoàng đế Khải Định và triều đình, ngay trước ngọ môn của cung điện Nhà Vua.
Ngày 14 tháng 4 năm 1921, Vua Khải Định trao tặng Đức Cha Allys ‘Bội Tinh-Kim Khánh’ ngoại hạng đặc biệt của Triều đình dành cho những nhân vật cao cấp.
Năm 1925, triều đình Việt Nam đã tặng cho ngài huy chương “Nam Long Bội Tinh (hay “Đại Nam Long Tinh”) Đệ Nhị Đẳng”[1], viết theo tiếng Pháp là “Grand Officier du Dragon d’Annam” và nhận từ Tòa Thánh tước vị “Phụ Tá Ngai Giáo Hoàng” (Assistant au Trône).
3.9. Xây dựng Toà Giám mục, Nhà Chung
Sau khi quyết định chọn nhà thờ Phủ Cam làm nhà thờ Chính tòa, Đức Cha Allys cho di chuyển Toà Giám mục và Nhà Quản lý về Phủ Cam, gần nhà thờ Chính tòa. Đức Cha giao trọng trách này cho Cha Léculier.
Nhờ sự giúp đỡ của cụ Nguyễn Hữu Bài, địa phận mua được một lô đất tư bên bờ tả ngạn sông Phủ Cam, đối diện phía hữu ngạn là nhà thờ Phủ Cam. Tuy nhiên, do phải đầu tư một lúc vào nhiều công trình mà khả năng tài chánh của Địa phận Huế có hạn nên trụ sở Tòa Giám mục và nhà Quản lý địa phận chỉ là những căn nhà mái ngói bình thường. Mãi đến năm 1931, Đức Cha kế vị Chabanon Giáo mới tiếp tục xây dựng Tòa Giám mục Huế lớn lao hơn. Địa điểm này tồn tại cho đến ngày nay là TÒA TỔNG GIÁM MỤC HUẾ, số 6 Nguyễn Trường Tộ, Huế.
Qua tháng 7 năm 1909 Đức Cha Allys dạy thừa sai Léculier xây dựng thêm Nhà Chung, cũng trong khuôn viên Tòa Giám mục.
3.10. Đức Mẹ Lavang trong thời giám mục của Đức Cha Allys[2]
Năm 1923 Đức Cha Allys đã có đề án xây cất một đền thờ Đức Mẹ La Vang nguy nga và rộng lớn. Công trình kiến thiết đó được giao cho thừa sai Morineau Trung, Cha sở Cổ Vưu kiêm La Vang.
Đức Cha tha thiết kêu gọi tấm lòng con cái trong ngoài Giáo phận Huế, nhanh chóng đóng góp công của xây dựng ngôi đền thờ Đức Mẹ La Vang. Đáp lại lời kêu gọi ấy, giáo dân khắp 3 miền hưởng ứng nhiệt liệt.
Sau gần 4 năm (1924-1928) xây cất, ngôi thánh đường mới với hai tầng mái và hai cánh thánh giá cổ điển cùng với cây tháp vuông hai tầng cao ngất, nổi bật lên giữa cảnh đồi cát chung quanh và núi rừng xa xa. Đây là ngôi nhà thờ ngói thứ hai minh chứng lòng thành kính Đức Mẹ La Vang của giáo dân toàn quốc.
Qua ngày 20, 21 và 22 tháng 8 năm1928, lễ Tam Nhật Đại Hội (lần 9) cũng là lễ khánh thành đền thờ mới…
Mặc dù lễ khánh thành nhà thờ đã được tổ chức nhưng lúc bấy giờ tháp chuông chưa xong. Đến ngày 30 tháng 9 năm1928 là ngày Chúa Nhật, Đức Cha Allys đã cử hành tại đền thờ mới lễ làm phép 3 quả chuông La Vang một cách long trọng với sự tham dự của cụ Thủ tướng Nguyễn Hữu Bài, cùng với các linh mục và một số đông quan khách Việt Pháp ở Huế và ở Quảng Trị vào.
Do ý thức trách nhiệm nặng nề và những đóng góp lớn lao cho nhà Mẹ, có thể nói Đức Cha Allys là đứa con cả của Đức Mẹ La Vang. Tất cả những gì tốt nhất, có được ngài đều dành cho Mẹ. Nếu không xuất phát từ tấm lòng thảo kính, niềm tin yêu vô hạn Đức Mẹ La Vang thì Đức Cha đã không xây dựng một đền thánh nguy nga nơi hoang địa, một nơi chỉ có số tín hữu thưa thớt, chưa bao giờ được xem là một giáo xứ, chưa hề có linh mục quản xứ.
Hơn thế nữa, Đức Cha hết sức quan tâm các cuộc hành hương viếng Mẹ: những cuộc kiệu Minh Niên, những ngày lễ Đức Mẹ quanh năm, những nhóm, đoàn hành hương riêng lẻ. Đặc biệt, những kỳ Đại hội theo định lệ 3 năm 1 lần (có từ thời Đức Cha Caspar), Đức Cha tổ chức thật chu đáo và chính ngài đã nâng tầm các cuộc Hành hương Đại hội Đức Mẹ La Vang từ cấp địa phận lên cấp quốc gia.
Trong 23 năm cai quản Giáo phận Huế, Đức Cha Allys đã tổ chức tất cả 6 kỳ Đại hội La Vang: từ Đại hội 4 (1910) đến Đại hội 9 (1928), mỗi kỳ đều có nét độc đáo riêng. Đại hội La Vang lần 6 (1917), Đức Cha Allys nhận thấy thời gian một ngày cho mỗi kỳ đại hội 3 năm một lần là quá ngắn, không thể thoả mãn tâm nguyện khách thập phương khi hành hương viếng Mẹ. Vì vậy, từ Đại hội 6, Đức Cha sửa đổi thời gian thành 3 ngày, gọi là TAM NHẬT:
Ngày thứ nhất tại La Vang có các Cha ngồi tòa, có lễ hát trọng thể, giảng và chầu Mình Thánh Chúa. Ngày thứ hai có rước kiệu Thánh Thể do Đức Cha Allys chủ sự. Ngày thứ 3 bắt đầu cuộc rước kiệu Đức Mẹ từ Cổ Vưu vào La Vang như định lệ. Từ đó, các cuộc hành hương La Vang có truyền thống 3 năm một lần. Đại Hội La Vang lần 9 (1928) là đại hội đầu tiên có tính toàn quốc, đồng thời có sự hiệp thông của ba nước Đông Dương, và cũng là đại hội sau cùng thời Đức Cha Allys.
Đức Cha Allys vẫn luôn canh cánh bên lòng mối ưu tư về lớp trẻ cần được giáo dục trong đức tin và thăng tiến về văn hoá. Dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Linh, ngài thấy cần đáp ứng nhu cầu khẩn thiết của giáo phận trước cánh đồng truyền giáo đang lên phơi phới sau khi bão tố cấm cách đã tạm yên.
Năm 1919, Giáo phận Huế đã có nhiều trường giáo xứ hơn trước, nhưng thiếu giáo viên được huấn luyện chu đáo. Đức Cha có ý định tổ chức một trường sư phạm, đào tạo nữ giáo viên dạy giáo lý và chữ nghĩa; rồi sau sẽ thành một Hội Dòng mà ngài gọi là Trường Sư phạm nữ tu bản quốc. Trong tờ phúc trình gởi về Trung ương Hội Truyền giáo Balê, ngài viết: “Vì mục đích nâng cao trình độ các giáo viên, nhờ sự giúp đỡ quảng đại của một phụ nữ Việt Nam, tôi đã xây được một trường đào tạo các giáo viên tương lai của chúng tôi, tất cả sẽ là nữ tu”.
Chúa quan phòng đã sắp đặt mọi sự với lòng ưu ái để đón chờ ngày chào đời của Hội Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm từ lòng đất mẹ mà ra, góp nhặt tinh hoa của ‘các thế hệ nữ tu có tính cách hoàn toàn dân tộc’.
Chiều ngày 07 tháng 9 năm 1920, đáp lại lời mời gọi của Đức Cha Lý và với sự tự do lựa chọn của mình, 6 chị Mến Thánh Giá: Catarina Liễu, Anna Thay, Agatha Thường, Anê Trông, Madalêna Quế và Maria Hạn rời Phước Viện Dương Sơn, đặt chân lên đất Phú Xuân, âm thầm và nhỏ bé, nhưng đầy hứa hẹn như sự xuất hiện của một mầm sống mới. Các chị đã bắt chước Tổ phụ Abraham xưa, đi theo tiếng gọi của Thiên Chúa: “Hãy bỏ quê hương… để đến miền đất Ta sẽ chỉ cho” (St 12, 1). Hôm ấy là ngày áp lễ Sinh nhật Đức Mẹ, chắc hẳn Đấng Sáng Lập muốn gắn liền ngày khai sinh Hội Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm với lễ kính ngày sinh của Đấng mà ngài muốn họ nhận làm Mẹ riêng của mình. Thánh lễ sáng mừng Sinh Nhật Đức Mẹ, ngày 08 tháng 9 năm 1920 do Cha Chabanon cử hành, một sự trùng hợp đầy ý nghĩa là một ngày lịch sử, ngày khai sinh chính thức Hội Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm.
Những tháng sau, một số nữ tu Mến Thánh Giá ưu tú khác từ các Phước Viện Di Loan, Cổ Vưu đáp lại lời mời gọi của Đức Cha, đồng thời những thiếu nữ ngoài đời cũng lần lượt đến gia nhập Dòng mới.
Trong tờ trình lên Đức Thánh Cha xin châu phê việc thành lập Dòng, Đức Cha Allys viết: “Trong tháng 9 năm 1920, con đã tách 6 trinh nữ bản xứ khỏi Hội Dòng các phụ nữ có đời sống chung, thuộc quyền giáo phận và không có lời khấn, quen gọi là các chị em ‘Mến Thánh Giá’ hay ‘Con cái Đức Mẹ Maria’ và nhập lại với nhau thành một nhóm với mục đích cùng các thiếu nữ khác dần dần từ ngoài thế gian được nhập vào, họ sẽ sống đời tu cách nhiệm nhặt hơn, rồi sau thời gian tương xứng học hỏi giáo lý, văn hoá và các khoa đời, họ có thể mở trường học trong Giáo phận Huế”.
Lúc bấy giờ, giáo phận Huế chưa có Dòng nữ bản xứ nào khác chuyên dạy thiếu nữ. Vì chị em Mến Thánh Giá hay Con cái Đức Mẹ Maria như nói ở trên không phải là nữ tu đích thực, các chị chỉ sống chung, không có lời khấn, chỉ đọc kinh và làm việc tại nhà, và vì học lực còn kém nên không có khả năng dạy học. Các chị em hội dòng mới này thuộc quyền giáo phận, có lời khấn đơn vĩnh viễn sẽ mang tên là ‘Con Cái Đức Maria Vô Nhiễm’. Mục đích thứ nhất chính là dạy thiếu nữ trong các trường, mục đích thứ hai là lo cô nhi viện, các sở nữ công và chuẩn y viện (bệnh xá).
Ngài đặc biệt quan tâm đến đời sống tu trì: đón tiếp, nâng đỡ các Dòng từ nước ngoài đến thành lập trong giáo phận Huế. Việc lập Dòng địa phương chuyên lo về giáo dục thanh thiếu niên thì chính Đức Cha Hồ Ngọc Cẩn đã ghi lại như sau: “Đức Cha Allys thấy đời văn minh tiến bộ, thiên hạ đang xu hướng về đàng khoa học, nọ là nam nhi thiếu nữ, nọ là thành thị thôn quê, thảy đều đua nhau đi học cho đặng thi bơi với đời. Nhưng hiểm thay, trường tổng trường làng thì có mà trường đạo thì chỉ có một trường Dòng (Pellerin) tại Huế, con nhà có đạo không mấy người nhờ được trường ấy, hoặc bởi xa xôi, hoặc vì ít bạc. Bởi đó, hoặc phải ở nhà chịu dốt, hoặc phải đi học chung ở trường không có đạo, ấy là một điều rất hiểm nguy. Vì vậy Đức Cha mới đặt trí đến việc lập dòng nữ, dòng nam để xuất thân lập trường dạy dỗ, cũng như đã có dòng nam dòng nữ ẩn tu nơi tịch mạc để giúp lời khấn vái nguyện cầu. Hai đều cần thiết cả hai, đã lo cho có dòng đọc kinh cầu nguyện, thì còn phải lo cho có dòng giáo hóa trẻ con”.
Đến năm 1923, Đức Cha khởi công lập dòng nam theo khuôn mẫu của Dòng “Tu sĩ giáo dục Công giáo Ploermel“, do Vị Đáng kính De Lamennais xứ Bretagne, miền Tây-Bắc nước Pháp, nơi ngài đã được thụ giáo trước khi trở thành chủng sinh.
Công việc tiến hành như sau: Trước hết, Đức Cha gửi thư cho ĐHY Van Rossum Thứ trưởng Tòa áp việc truyền giáo. ĐHY ban khen và cầu chúc thành công. Đức Cha cũng đã gửi thư cho Cố Lựu Léculier là Cha phó của ngài hồi còn ở Phủ Cam, đang ở Paris. Cố Léculier đã quyên gửi về cho Đức Cha 10.000 Franc và hứa sẽ gửi tiếp, nhưng Cố Léculier đã qua đời mấy tháng sau đó. Một số ân nhân đã giúp Đức Cha tiền bạc, đất vườn, và công sức…
Đến tháng Giêng năm 1924, lúc các cố tề tựu về tĩnh tâm tại Đại chủng viện Kim Long, Đức Cha cho các cố biết ý định lập dòng nam tại Trường An của ngài. Mặc cho tiếng bàn ra tán vào, Đức Cha vẫn cương quyết thực hiện ý định của ngài, ngài không xin một đồng nào của Nhà chung giáo phận.
Tháng 7 năm 1924, Đức Cha chính thức chọn Cha Hồ Ngọc Cẩn làm Bề trên tiên khởi, đảm trách xây dựng và cai quản Dòng mới mang danh hiệu là “Institut des Petits Frères du Sacré-Coeur”.
Đúng 8 giờ sáng ngày 9 tháng 10 năm 1925 Đức Cha lên làm lễ khánh thành và khai sinh Dòng. Từ đó, hằng tuần Ngài lên thăm viếng con cái Thánh Tâm của Ngài.
[1] Huy chương bắt chước Légion d’honneur của Pháp nên cũng phân ra 5 bậc, 5 đẳng. Hoàn toàn không có vấn đề phong Đức Cha Lý làm Đại quan của triều đình. (Lm. Phêrô Phan Văn Lợi, TGP Huế hiệu đính).
[2] Trích tài liệu Hành Hương Giáo phận, tập II.