Những ngày cuối đời của Đức Cha Đa Minh Hồ Ngọc Cẩn

5. Những ngày cuối đời [1]

5.1. Đau bệnh

Từ lễ các Thánh năm 1948, khi trời vừa trở lạnh, Đức Cha đã rơi vào tình trạng mất ăn mất ngủ. Sáng Chúa nhật, ngày 14 tháng 11năm 1948, lần cuối cùng ngài dự lễ tại Nhà thờ chính tòa Bùi Chu. Trở về nhà, ngài bị cảm nặng với những triệu chứng chẳng lành. Từ đó, ngài không ra khỏi phòng được nữa.

Lúc đó, đang trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Bùi Chu lại là miền quê xa thành thị, nên không dễ tìm thuốc, và cũng khó tìm được bác sĩ. Ngày 20 tháng 11 năm 1948, bác sĩ Kính được mời từ Thái Bình về thăm bệnh, ông cho biết Đức Cha bị ứ huyết ở phổi, và bệnh già là căn bệnh khó chữa nhất. Ông cũng không chắc là ngài sẽ qua đời, nhưng cũng lưu ý các cha phải sẵn sàng. Lúc này, các thuốc do bác sĩ cung cấp chỉ có công hiệu trợ giúp mỗi khi ngài lên cơn mệt. Ngài bắt đầu khó thở, tiếng nói khan dần, nghe không rõ.

Ngày 23 tháng 11, từ 9g sáng đến 12g trưa, ngài ngất đi ba lần. Tưởng đã đến giờ ra đi, ngài xin cáo mình chung trước mặt các cha, về những thiếu sót lầm lỡ trong khi coi sóc địa phận.

Vào 1 giờ chiều hôm ấy, ngài nhận Của ăn đàng và lãnh Bí tích Xức dầu do Cha chính Đa Minh Hà Kỳ Uyên cử hành với sự hiện diện của các cha, các thầy và các nữ tu dòng thánh Phaolô. Rồi ngài trở nên tỉnh táo khác thường, nhưng cơn suyễn trở lại hành hạ ngài cho đến hơi thở cuối cùng.

Trong mấy ngày ấy vì quá mệt, nên ngài phải bỏ làm lễ, đó là điều ngài phải hy sinh nhiều nhất. Tuy vậy, hằng ngày cứ 4g sáng, ngài được vực ra ghế dài, quay mặt vào nhà nguyện riêng để dự lễ. Cứ thế cho đến ngày cuối cùng, ngài không bỏ dự lễ và rước lễ ngày nào.

Chiều thứ năm 25 tháng 11 năm 1948, Đức Cha Nguyễn Bá Tòng đang hưu ở Xuân Đài về thăm. Đức Cha Hồ Ngọc Cẩn như khỏe hẳn lại, vui vẻ ngồi dậy tiếp đón, nhưng chỉ nhìn nhau mà chẳng nói được lời nào.

Thân xác kiệt quệ, nhưng dường như trong nội tâm ngài, một cuộc chiến mãnh liệt giữa “Ánh sáng và Bóng tối” đang diễn ra. Với lòng trông cậy vào sức mạnh của Chúa cùng với sự nhẫn nại vốn có, ngài đã chiến đấu kiên cường, và quyết chí hướng về đích điểm là lý tưởng trọn lành. Một lần kia, khi các cha đến thăm, ngài buột miệng thốt lên: “phải làm thánh!”.

Nhưng ý tưởng quyết liệt về sự “làm thánh” lại luôn song hành với ý thức “con người” đầy giới hạn, khiến đôi lúc ngài tỏ vẻ sợ sệt và hay nói “khiếp, khiếp! …”. Ngài thều thào với Cha Đa Minh Trần Đức Huân: “Tôi thấy kẻ thù từ phương bắc kéo đến bắt tôi phải điều đình, tôi vội vã xây cái pháo đài, và lấy sách Phúc Âm làm khí giới mà chống lại”.

5.2. Hấp hối và qua đời

Khoảng 23 giờ đêm 26 tháng 11 năm 1948, Đức Cha có dấu hiệu giờ ra đi thật rõ ràng. Hiện diện quanh ngài lúc đó có Cha chính Hà Kỳ Uyên, Cha Đản quản hạt Ninh Cường, Cha Vũ Xuân Huyên, Cha Thạnh, Cha Trần Đức Huân, Cha Trần Ngọc Hưởng, Cha Cẩm, Cha Quang, Cha Phạm Châu Diên, sơ Donatien là bà Nhất nhà thương Bùi Chu, và mấy thầy giúp việc…Đôi mắt Đức Cha nhắm nghiền, những giọt lệ từ giã cõi đời từ từ chảy xuống…Giờ hấp hối đã đến, Cha Diên nghĩa tử, đọc Kinh phó linh hồn. Mấy phút trước khi lìa đời, Cha Diên thưa ngài lần cuối:“Xin Đức Cha dâng sự sống mình để đền tội cho địa phận, và cầu cho địa phận được bình an”. Ngài liền quay mặt nhìn các cha như muốn tỏ ý rất vui lòng và nói lời vĩnh biệt…Mọi người vẫn hát đi hát lại câu “In manus tuas Domine…”: “Lạy Chúa, con phó linh hồn con trong tay Chúa...”. Đờm đưa lên nghẹn cổ, Đức Cha nấc lên vài tiếng, và trong niềm bình an ngài ra đi thật nhẹ nhàng. Lúc đó là 0g27 sáng 27 tháng 11 năm 1948. Chuông Nhà thờ chính tòa ngân nga từng tiếng trầm buồn, tiễn biệt người cha hiền về gặp Thiên Chúa tình yêu.

Ngày 27 tháng11, nhằm ngày thứ bảy, lúc 6 giờ chiều, lễ nhập quan được cử hành do Cha chính Hà Kỳ Uyên chủ sự và hai cha nghĩa tử là Cha Quang và Cha Diên phụ lễ. Thi hài được đặt trong quan tài sơn mài nâu sẫm, hai đầu có huy hiệu Giám mục và Đức Mẹ Mân Côi thiếp bạc, được quàn tại phòng khách Tòa Giám mục một ngày, rồi chuyển ra trường học ở cuối Nhà thờ chính tòa Bùi Chu trong 2 ngày, để tín hữu kính viếng. Các hội đoàn, dòng tu, nhà phước, chủng sinh, các giáo xứ, giáo họ trong địa phận thay phiên nhau đến viếng xác và cầu nguyện cho Đức Cha.

5.3. Thánh Lễ an táng

Lễ an táng Đức Cha Đôminicô Maria Hồ Ngọc Cẩn được cử hành trọng thể ngày 30 tháng 11 năm 1948, tại Nhà thờ chính tòa Bùi Chu. Vì đang thời kỳ kháng chiến, nên chỉ có một vị Giám mục là Đức Cha Nguyễn Bá Tòng đến dự. Còn các linh mục trong Giáo phận Bùi Chu và hai Giáo phận láng giềng là Thái Bình và Phát Diệm có trên 100 vị. Giáo dân thì đông vô kể.

Khoảng 8g, ông Nguyễn Văn Ninh, Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính Tỉnh Nam Định, cùng xứ ủy, thay mặt Chính phủ về tận Bùi Chu phân ưu. Có đội quân danh dự bồng súng túc trực quanh quan tài, vì Đức Cha Hồ là Cố vấn chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa. Riêng Hồ Chủ tịch và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gửi điện về Tòa Giám mục phân ưu.

Đại diện Phật giáo có Sư cụ Phạm Thế Long, thân hành đến đọc bài điếu trước linh cữu, Thượng tọa Thích Bảo Long, nguyên trụ trì tại chùa lớn Trà Trung, cho người sang phúng viếng.

Đến 9 giờ, linh cữu được rước từ nơi quàn xác vào Nhà thờ chính tòa Bùi Chu để cử hành lễ an táng. Đoàn người ngậm ngùi lặng lẽ bước đi, gồm các đoàn thể nhà dòng, nhà phước, các học sinh, các thầy giảng và các thầy Đại chủng viện Quần Phương, các cha với phẩm phục chỉnh tề. Theo sát quan tài cũng có các thầy và 3 cha nghĩa tử. Các ban tây nhạc thay nhau cử những điệu bi ai, xen lẫn lời kinh tiếng hát não nuột của đoàn giáo hữu, với những vành tang trắng trên đầu. Đi chen vào đó, người ta còn thấy có những đoàn phụ nữ lương dân, Thập tự, Cứu quốc…

Linh cữu được đặt giữa nhà thờ, các vòng hoa phủ kín trông như một gò hoa nhỏ, xen lẫn ánh nến lung linh. Một bầu khí lặng lẽ trầm mặc bao trùm lên cả trong lẫn ngoài nhà thờ. Cha chính Hà Kỳ Uyên chủ sự đại lễ, trong khi ca đoàn Đại chủng viện hát lễ sốt sắng trang nghiêm. Sau lễ, Đức Cha Nguyễn Bá Tòng ra giữa cung thánh, tán dương sự nghiệp và tài đức của Đức Cha Hồ Ngọc Cẩn, tóm trong khẩu hiệu: “Hết lòng nhẫn nhục và tận tâm giáo huấn”. Ngài khen Đức Cha Cẩn có “bàn tay sắt bọc găng nhung”, lại dùng hết thời giờ viết sách, làm văn…mọi việc đều mực thước, đúng thời khắc biểu.

Tiếp đến là lễ nghi an táng rất long trọng và trang nghiêm chỉ dành riêng cho các Giám mục[2]. Phần đọc bài điếu văn, được tượng trưng bằng bài điếu của ông Nguyễn Văn Ninh, đại diện chính quyền, vì giờ đã muộn. Bài điếu văn đại ý ca ngợi Đức cha đã sống tốt đạo đẹp đời, nhiệt tình cứu nước qua cử chỉ tặng dây vàng đóng góp vào quỹ quốc phòng.

Đồng hồ chỉ 12 giờ, Cha Chính kết thúc buổi lễ bằng những lời cám ơn các giới chức và toàn thể cộng đoàn dân Chúa. Linh cữu vẫn đặt ở đó tới 3 giờ chiều để giáo dân kính viếng, rồi mới hạ huyệt bằng một nghi thức đơn giản, nhưng không kém phần trang trọng.

5.4. Sau lễ an táng

Dư âm vẫn còn văng vẳng trong các buổi làm tuần bảy, tuần ba ở khắp các giáo hạt, để cầu nguyện cho hương hồn Đức cố Giám mục Đôminicô. Đặc biệt tại xứ Bùi Chu, giáo dân vãn bài thơ “Than khóc Đức Cha” do Châu Thủy (tức Cha Phạm Châu Diên) làm. Ngày nay nhiều cụ già vẫn còn thuộc bài thơ ấy, nguyên văn như sau:

Than ôi gió bấc lạnh lùng,

Mây đen mù mịt muôn trùng bao la.

Giọt châu lã chã tuôn sa,

Khắp trong địa phận ai mà chẳng đau?

Cha lành sao vội đi đâu?

Chúng con thương nhớ thảm sầu sao nguôi!

Nhớ ngày cha phụng mệnh trời,

Gậy vàng mũ ngọc tới nơi hạt Bùi.

Khởi hành từ Huế xa xôi,

Rước về địa phận ngất trời lung linh.

Rõ là thỏa nguyện ba sinh:

Việt Nam Giám mục người mình trị dân!

Thương thay! Lòng nát như dần

Xưa càng vinh hiển, nay càng thảm thê!

Mười ba năm gánh nặng nề,

Cắn răng chịu nhịn chẳng hề kêu ca.

Trải bao gió táp mưa sa,

Con thuyền vững lái vượt qua biển trần.

Đức cha thương xót giáo dân,

Khắp trong địa phận mở tuần thi kinh.

Nhờ cha, đạo lý thông minh,

Con chiên theo gót đường lành tiến mau.

Siêng năng rước lễ nguyện cầu,

Gấp mười khi trước, ai hầu chối chăng?

Nghĩa binh cùng với nam thanh,

Nhờ cha gây dựng mới thành qui mô.

Nết na đạo đức chăm lo,

Đọc kinh xem lễ nhà thờ như nêm.

Phần hồn cha đã thương xem,

Còn như phần xác chẳng quên đỡ đần.

Nào khi lụt lội cơ bần,

Nào khi nhà cháy ai vần của cho?

Đồng tiền bát gạo cha lo,

Đi xin mọi cửa đem cho con nhờ.

Nước nhà gặp lúc nguy cơ,

Giáo lương an lạc cũng nhờ tại cha.

Giờ đây nhà cháy giặc pha,

Chúng con xao xác sao cha vội vàng?

Sao cha vội vã thiên đàng?

Để con nheo nhóc một đàn bơ vơ!

Cha đi cha vẫn nhân từ,

Xin cha thương nhớ con thơ dưới này!

Cha ơi, cha hỡi, cha ơi!

Sau đó 3 tháng, chính phủ lại tổ chức lễ truy điệu trọng thể trên khu rừng Việt Bắc, do báo Cứu quốc ra ngày 24 tháng 2 năm1949 đưa tin:

“Chính phủ đã làm lễ truy điệu đức Giám mục Hồ Ngọc Cẩn, Cố vấn chính phủ, có các vị trong ban thường trực Quốc hội tham dự. Lễ cử hành trước bàn thờ bài trí rất trang nghiêm”.

“Sau lễ mặc niệm, Hồ Chủ tịch nhắc lại công lao và đạo đức của Đức Giám mục Hồ Ngọc Cẩn, một vị lão thành đã nêu gương đoàn kết dân tộc. Người đã rõ lúc mà nô lệ thì tôn giáo cũng không được tự do, cho nên người đã kêu gọi đồng bào Công giáo tham gia kháng chiến cứu nước”.

[1] Lm. Phạm Châu Diên, Đức Cha Đôminicô Hồ Ngọc Cẩn mấy ngày cuối cùng, bản đánh máy, Trung Linh, 1953.

[2] Có thể gọi là lễ năm lần cầu nguyện xin ơn giải thoát (cinq absoutes) gồm 5 giám mục chủ sự. Nhưng vì thời kháng chiến, các giám mục không về được, nên chỉ có Đức Cha Tòng và 4 cha đại diện chủ sự: đó là Cha chính An (Thái Bình), Cha chính Hải (Phát Diệm), Cha già Khánh (Quản hạt Kiên Chính), Cha già Huệ (Giám đốc Đại chủng viện Quần Phương). Diễn tiến gồm 5 lần hát, chen vào 5 lần rảy nước thánh và xông hương, với 5 lời cầu nguyện khác nhau.