Giáo họ Ba Châu, ngày nay nằm trong thôn Ba Châu, làng Vĩnh Lưu, xã Phú Lương, huyện Phú Vang, Thừa Thiên – Huế, vốn là quê cha đất tổ của vị giám mục Việt Nam đầu tiên của Giáo phận Huế: Đa Minh HỒ NGỌC CẨN.
Ông Giuse Hồ Ngọc Thi, quê làng Ba Châu, kết bạn với bà Anna Nguyễn thị Đào người làng Trường An, thường gọi là làng Phường Đúc, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên. Hai ông bà vui sống trong cảnh thanh bần, ông làm thầy dạy học, làm thầy thuốc. Ông bà sinh được hai trai: trai đầu đặt tên Hồ Ngọc Ca, trai thứ là Hồ Ngọc Vịnh.
Hồ Ngọc Ca sinh ngày 03 tháng 12 năm 1876, nhằm ngày 18 tháng 10, năm Bính Tý, rửa tội nhận thánh Đa Minh làm bổn mạng, tại nhà thờ họ đạo Ba Châu, giáo phận Huế.
Cụ Hồ Ngọc Thi chẳng may qua đời sớm, bà cụ đưa hai anh em Ca và Vịnh về quê ngoại ở Trường An nương náu.
Năm 1889, Hồ Ngọc Ca lên 13 tuổi, được cha sở họ Trường An là linh mục Phanxicô Xaviê Trương văn Thường (1806-1892) nhận làm nghĩa tử và chuẩn bị cho cậu thi vào Tiểu Chủng viện An Ninh (Quảng Trị). Kỳ khảo hạch tuyển sinh, linh mục Izarn (tên Việt Nam: Y) làm giám khảo, Đa Minh Hồ Ngọc Ca bị trượt, may được linh mục Girard là Giám độc Chủng viện và là bạn thân với cha già Thường đứng ra xin bảo lãnh cho Hồ Ngọc Ca học thử vài tháng.
Qua mấy tháng đầu năm học, Đa Minh Hồ Ngọc Ca tiến bộ vượt bậc. Các năm học sau, luôn dẫn đầu lớp, đến nỗi chương trình phải học 8 năm cậu vượt lớp chỉ phải học có 6 năm thôi.
Năm 1891, cha Thường sắp qua đời, trao phó thầy Hồ Ngọc Ca cho linh mục Allys, bấy giờ là cha sở Phủ Cam, làm dưỡng tử, cha Allys rất hài lòng [1].
Ngày 05-05-1896, thầy Hồ Ngọc Ca được vào Đại Chủng viện Phú Xuân, học được 4 năm. Ngày 22-12-1900 lãnh chức Năm. Trước ngày lãnh chức, linh mục giám đốc Đại Chủng viện muốn đổi tên cho thầy, được hỏi ý kiến, thầy xin đổi tên là HỒ NGỌC CẨN.
Ngày 20-02-1902, thầy Hồ Ngọc Cẩn được phong chức linh mục, lúc vừa tròn 26 tuổi, đây là một trường hợp hy hữu thời bấy giờ.
GIÁO SƯ CHỦNG VIỆN AN NINH
Nhiệm sở đầu tiên của tân linh mục là làm phó xứ Kẻ Văn (Quảng Trị), từ tháng 02-1903 đến tháng 08-1907, tại xứ nghèo nàn này, cha phó xứ chú trọng nâng cao dân trí, mở lớp dạy chữ cho trẻ con và người lớn, từng bước giáo dục uốn nắn cách đọc kinh, cách đối xử với nhau… Giáo dân Kẻ Văn, Kẻ Vịnh, Hói Viên, An Thơ… đều quý mến cha phó Hồ Ngọc Cẩn [2].
Qua tháng 11-1907, làm chánh xứ Vạn Lộc (Kẻ hạc), một giáo xứ phía Bắc Quảng Bình trong 5 năm.
Hễ nơi nào cha Cẩn đảm nhiệm nơi đó như được nguồn sinh khí mới, được cái vẻ tươi tỉnh về tinh thần và hình thức, làm cho dân trí thay đổi dường như gặp một phong trào cải cách vậy.
Đến tháng 9-1910, linh mục Hồ Ngọc Cẩn được bổ nhiệm làm giáo sư Tiểu chủng viện An Ninh, là một giáo sư người Việt đầu tiên của trường này. Cha giáo Cẩn dạy môn La tinh, tiếng Pháp, Toán, Việt văn, nhưng sở trường hơn cả là tiếng La tinh và Việt văn. Phương pháp sư phạm của cha giáo Cẩn rất dễ hiểu dễ nhớ, sáng sủa, nhẹ nhàng.
BỀ TRÊN DÒNG SƯ HUYNH THÁNH TÂM
Đức cha Eugène Allys (Lý, 1852-1936), giám mục giáo phận Huế (1908-1931) xin phép Tòa Thánh lập một Dòng Sư Huynh, danh xưng là Dòng “Anh Em Hèn Mọn Rất Thánh Trái Tim Đức Chúa Giêsu” (thường gọi là Dòng Thánh Tâm). Dòng này trực thuộc giám mục Giáo phận, có chức năng chuyên dạy văn hóa, giáo lý cho nam sinh. Trụ sở chính của Dòng được xây cất ở làng Trường An (Phường Đúc) bên cạnh nhà thờ giáo xứ, vào năm 1923.
Năm 1924 cơ sở của Dòng xây cất cơ bản đã hoàn thành. Linh mục Hồ Ngọc Cẩn nỗ lực xây dựng cơ sở, giáo dục đào tạo tu sĩ và phát triển được bốn trường Sơ đẳng Tiểu học do các Sư Huynh Thánh Tâm điều khiển, ở Trường An, Phủ Cam, Kim Long và Lại Ân. Và còn lập một nhà in “Trường An ấn quán” chuyên in sách báo tài liệu giáo lý của giáo phận Huế. Sự phát triển của Dòng Thánh Tâm có công lao của ông Nguyễn Hữu Bài (1863-1935) dâng cúng đất đai tiền của. Và không thể không nói đến sự cộng tác của các linh mục nổi tiếng như Nguyễn văn Thích (1891-1979) phó Bề trên kiêm giáo sư, Ngô Đình Thục (1897-1984), dòng tu tiến được những bước tiến vững chắc cho đến ngày linh mục Hồ Ngọc Cẩn được bổ nhiệm làm giám mục giáo phận Bùi Chu.
GIÁM MỤC GIÁO PHẬN BÙI CHU
Các giáo sĩ Tỉnh dòng Đa Minh Philippines sang truyền giáo tại giáo phận Đàng Ngoài Việt Nam kể từ tháng 07-1676 với hai giáo sĩ đầu tiên là Juan de Santa Cruz (Thập, 1646-1721) và Juan de Arjona. Rồi đến năm 1757, Tòa Thánh quyết định trao sự vụ truyền giáo cho giáo sĩ Tỉnh dòng Đa Minh Philippines trong phạm vi địa bàn giáo phận Đông Đàng Ngoài. Theo đà phát triển của Giáo Hội Việt Nam, năm 1848, tách từ giáo phận Đông Đàng Ngoài, Tòa Thánh lập một giáo phận mới với danh xưng là giáo phận Trung Đàng Ngoài, đến năm 1924 đổi danh xưng là giáo phận Bùi Chu. Như vậy trải qua 178 năm (1757-1935) các giáo sĩ Đa Minh đã cống hiến biết bao công sức và cả máu đào để rao giảng Tin Mừng, mở ra một vùng truyền giáo rộng lớn với sự lãnh đạo của 14 vị giám mục dòng Đa Minh quốc tịch Tây Ban Nha. Vị giám mục thứ 14 vào thời điểm 1935 là đức cha Pedro Munagorri (Trung, 1865-1936) làm giám mục từ năm 1909, nay đã 70 tuổi, thường lưu trú ở Khoái Đồng thành phố Nam Định, ít khi ở Tòa giám mục, nên mọi công việc của giáo phận dường như khựng lại [3].
Từ khi Đức Giáo Hoàng Piô XI ban hành thông điệp “Rerum Ecclesiae” thúc giục trao công tác truyền bá Tin Mừng vào tay hàng giáo sĩ địa phương, nhất là từ khi đức cha J.B. Nguyễn Bá Tòng (1868-1949) được phong chức (1933), gây tác động mạnh đến giáo sĩ và giáo dân cả nước. Riêng giáo phận Bùi Chu, hằng mong ước có một giám mục Việt Nam lãnh đạo.
Tòa Thánh hối thúc, đức cha Munagorri đề nghị linh mục Hoàng Gia Huệ, chánh xứ Ninh Cường. Tòa Thánh không tỏ ý kiến gì, cứ âm thầm xếp đặt. Người âm thầm đó là Khâm sứ Tòa Thánh Columban Dreyer lo gặp gỡ tiếp xúc, nhận định và tham khảo ý kiến với nhiều nhân vật [4].
Cuối cùng theo đề nghị của Khâm sứ Dreyer, Đức Giáo Hoàng Piô XI ký sắc lệnh ngày 12-03-1935 bổ nhiệm linh mục Đa Minh Hồ Ngọc Cẩn làm giám mục hiệu tòa Zenobia, phó đại diện tông tòa Bùi Chu với quyền kế vị. Ai cũng ngạc nhiên, bản thân linh mục Hồ Ngọc Cẩn cũng choáng váng!
Theo tập quán của hàng giám mục, đức cha Hồ Ngọc Cẩn chọn khẩu hiệu: “Hết tình nhẫn nhục và tận tâm giáo huấn” và chọn huy hiệu là một hình thuẫn, chính giữa là Thánh Tâm Chúa Giêsu chiếu ánh sáng ra hai bên, một bên hình thuẫn là sông Hương núi Ngự, một bên nhà thờ Bùi Chu, phía dưới là cuốn sách và tràng chuỗi Mân Côi. Huy hiệu này do họa sĩ Tôn Thất Sa (1882-1980), giáo sư hội họa ở Huế vẽ.
Trước đó một tuần, đức cha đến “cấm phòng” tại dòng Chúa Cứu Thế ở Huế, đến sáng ngày 29-06-1935 nghi lễ tấn phong giám mục được Khâm sứ Tòa Thánh Columban Dreyer chủ lễ cử hành trọng thể tại nhà thờ Phủ Cam. Đức cha Chabanon (Giáo, 1873-1936) giáo phận Huế và đức cha J.B. Nguyễn Bá Tòng giáo phận Phát Diệm phụ phong. Tham dự còn có các đức cha Allys (Lý), Jannin (giáo phận Kontum), các Bề trên dòng, cụ Tôn Thất Hân, đại diện vua Bảo Đại, cùng nhiều quan khách, tất cả 130 vị.
Sáng sớm 01-08-1935 đoàn xe khởi hành từ Huế, đưa tân giám mục ra giáo phận Bùi Chu, cuối bữa tiệc mừng, linh mục Gallego (Nam) đọc chúc từ bằng tiếng Pháp, đại ý kể công lao ngót 300 năm truyền giáo của dòng Đa Minh tại giáo phận Bùi Chu, rồi kết luận: “Nay ngọn cờ Đa Minh đang phất phới trên đỉnh núi cao. Thưa đức cha, tôi không dám chỉ bảo gì ngài, vì như thế là thất thố. Song chúng tôi trao cớ đó vào tay ngài đang lúc thắng, và hy vọng ngài bảo tồn lấy cơ đồ lớn của chúng tôi, chúng tôi sẽ theo dõi lá cờ, nếu nó phất phới thì chúng tôi mừng. Nếu chẳng may nó ủ rũ thì chúng tôi buồn biết mấy!”
Vị tân giám mục ôn tồn, xin lỗi để đáp từ bằng tiếng Việt, vì lòng trọng kính quan khách. Ngài xác nhận công ơn của dòng Đa Minh, và nói mình cũng đã biết bổn phận giám mục là thế nào [5].
MỘT NĂM LÀM GIÁM MỤC PHÓ
Sau những ngày trăng mật với giáo phận Bùi Chu, giám mục phó Đa Minh Hồ Ngọc Cẩn trú tại Tòa giám mục, còn giám mục chính, đức cha Munagorri lên ở Khoái Đồng với giáo sĩ Casado (Thuận) như thói quen lâu nay. Đức cha phó cũng được bảo cho biết đừng xử tính việc gì, dầu có ai kêu cáo [6].
Đức cha phó dùng thời giờ nghiên cứu về nhiệm vụ của giám mục, về lịch sử địa lý giáo phận và tâm lý giáo dân. Hành lễ và giảng thuyết tại nhà thờ chính tòa vào các ngày Chúa Nhật. Ngài thường tìm gặp thăm hỏi các cha, các thầy trong nhà Chung, đi thăm các giáo xứ lân cận, đi kinh lý giáo hạt Quỹ Nhất và Lạc Đạo.
Đức cha đi thăm chủng viện Ninh Cường, Đại chủng viện Nam Định, sinh viên đọc bài mừng bằng tiếng La tinh, đức cha đáp từ bằng tiếng Việt: “Là người Việt Nam cả, nói tiếng mẹ đẻ cho nó thân tình” [7].
CHÍNH THỨC LÃNH ĐẠO VÀ CUỘC CANH TÂN GIÁO PHẬN
Ngày 17-05-1936 giám mục Munagorri trao quyền lãnh đạo cho giám mục Hồ Ngọc Cẩn, và đúng một tháng sau đức cha Munagorri từ trần.
Sau lễ an táng vị tiền nhiệm, giám mục Hồ Ngọc Cẩn chính thức nắm quyền lãnh đạo với tình hình cụ thể của giáo phận:
Địa bàn thu hẹp trong phạm vi tỉnh Bùi Chu và một phần tỉnh Nam Định vì hai tỉnh Thái Bình và Hưng Yên tách ra để thành lập giáo phận Thái Bình theo sắc lệnh Tòa Thánh ngày 09-03-1936.
Cơ sở vật chất và tài chính bàn giao giữa hai giáo phận thì Bùi Chu gặp nhiều khó khăn.
Tuy vậy, giám mục Hồ Ngọc Cẩn từng bước canh tân giáo phận.
Vấn đề gai góc đặt ra là phải giải quyết nhân sự trong guồng máy điều hành giáo phận. Phát huy quyền dân chủ, đức cha mở cuộc trưng cầu ý kiến hàng linh mục bằng thư kín để đặt các chức vụ đầu não, đồng thời bổ nhiệm một loạt linh mục quản hạt mới.
CANH TÂN HÀNG LINH MỤC
– Phong chức hai linh mục đầu tay (cha Túc và cha Thủ)
– Thư luân lưu gửi hàng linh mục giáo phận, ý đức cha nói giám mục và linh mục là “anh em như thể tay chân” với nhau.
– Suốt 12 năm, đức cha đích thân giảng tuần “Cấm phòng” cho linh mục giáo phận.
CẢI TỔ CÁC CHỦNG VIỆN
Giáo phận có các cơ sở đào tạo: trường Tập Trung Linh, Tiểu chủng viện Ninh Cường, trường Thầy giảng Bùi Chu. Đức cha dành ưu tiên tốt nhất về giáo sư, vật chất cho các cơ sở này và thường đích thân tới giảng dạy.
Về trường Trung Linh, năm 1937, mời Sư huynh Lasan về dạy cho tu sinh và cho con em lương giáo trong vùng.
Tiểu chủng viện Ninh Cường, học sinh được tăng cường môn Khoa học, Việt văn, La ngữ, Pháp ngữ. Đức cha giảng dạy, chứng tỏ là một nhà sư phạm tài ba, giúp học sinh dễ hiểu bài, nhớ lâu và vững chắc.
Giám mục Hồ Ngọc Cẩn coi trọng việc đầu tư nhân tài, nâng cao trình độ trí thức cho chủng sinh.. Năm 1937 chọn bốn sinh viên du học trường Truyền giáo Roma và Đại chủng viện Pénang, sau này là những linh mục danh tiếng như linh mục Trần Văn Hiến Minh, Lâm Quang Trọng, Vũ Đức Trinh.
TÁI LẬP ĐẠI CHỦNG VIỆN QUẦN PHƯƠNG
Trước kia Bùi Chu vốn đã có Đại chủng viện, nhưng từ 1931 sinh viên Đại chủng viện đều tập trung về Giáo hoàng chủng viện tại Nam Định là chủng viện chung cho các giáo phận thuộc dòng Đa Minh phụ trách. Sinh viên Đại chủng viện Bùi Chu mong ước trở về học tại Bùi Chu. Giám mục Hồ Ngọc Cẩn báo cáo xin phép Bộ Truyền Giáo ở Roma. Ngày 07-10-1936, Roma phúc đáp: “… Đức cha muốn tái lập Đại chủng viện trong giáo phận thì Bộ cũng quan tâm và không từ chối”. Tuy nhiên vấn đề vẫn giằng co, hơn một năm sau Bùi Chu mới tái lập lại Đại chủng viện nhờ sự khéo léo, bình tĩnh và cương quyết đặt quyền lợi lâu dài và to lớn của giáo phận lên trên hết.
Niên khóa đầu tiên của Đại chủng viện Quần Phương Bùi Chu được khai giảng giữa năm 1940. Sinh viên chủng viện Bùi Chu rất hân hoan.
Chương trình học của sinh viên được đổi mới, nâng cao chất lượng học tập. Đức cha còn vận động các nhà hảo tâm tài trợ giúp chủng viện.
THÀNH LẬP DÒNG NỮ ĐỨC MẸ MÂN CÔI BÙI CHU
Cuối năm 1940, đức cha gửi đơn xin phép Tòa Thánh cho lập một dòng nữ lấy danh hiệu hoặc dòng Chị Em Con Đức Mẹ Mân Côi, hoặc dòng Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Hội đồng giáo phận Bùi Chu đồng tình ủng hộ. Ngày 20-08-1946, đức cha nhận được phúc thư của Bộ Truyền Giáo chấp thuận.
Ngày 08-09-1946 chính thức công bố thành lập Dòng Đức Mẹ Mân Côi Bùi Chu. Lớp “Tập” đầu tiên được khai giảng ngày 21-11-1946, có 17 tập sinh. Từ đó Dòng Đức Mẹ Mân Côi ngày càng phát triển đến ngày nay.
THÀNH LẬP CÁC HỘI ĐOÀN GIÁO DÂN
Một trong những phương cách đức cha dùng để canh tân giáo phận, tăng cường bồi dưỡng đời sống Công Giáo cho giáo dân là tổ chức các hội đoàn giáo dân:
– Hội Tông đồ cầu nguyện: thành lập năm 1938, quy tụ ba giới thiếu nhi, thanh niên và người lớn tuổi.
– Hội Công giáo Nam thanh: (Thanh niên Công giáo nước Nam) năm 1938 tổ chức đại hội thanh niên tại Phú Nhai quy tụ 20.000 đoàn viên, đức cha Hồ Ngọc Cẩn bấy giờ đã ngoài lục tuần mà đứng ra trụ trì đại hội. Đức cha Nguyễn Bá Tòng, một nhà hùng biện trứ danh, tham gia diễn thuyết với đề tài: “Nghĩa vụ thanh niên đối với bản thân, Tổ quốc và Giáo hội” [8].
– Hội Dòng Ba Đa Minh: thành lập cho người lớn tuổi. Hội thường trực cầu nguyện.
– Ban Truyền giáo giáo phận: năm 1942, do linh mục Đaminh Trần Đình Thủ đứng đầu với 12 thầy giảng. Chức năng của Ban Truyền giáo là đôn đốc, kiểm soát công việc truyền bá Tin Mừng.
HOẠT ĐỘNG VĂN HÓA XÃ HỘI
Giám mục Hồ Ngọc Cẩn là một nhà giáo dục, là một cây bút hoạt động văn hóa phong phú đa dạng và rất Việt Nam, luôn đề cao văn hóa dân tộc. Năm 1937, tại đại hội Thánh Thể thế giới tổ chức tại Manila, tập trung hàng trăm giám mục mọi quốc tịch. Mỗi giám mục được lên phát biểu ý kiến trước cử tọa giáo dân đông đảo mọi quốc tịch. Giám mục Hồ Ngọc Cẩn lên đọc bài phát biểu bằng tiếng Việt Nam. Có thể nói giám mục Hồ Ngọc Cẩn là giám mục người Việt Nam đầu tiên diễn thuyết bằng tiếng Việt trong một Đại hội quốc tế vào một thời điểm tổ quốc Việt Nam đang bị Tây phương thống trị. Thời điểm đó, diễn thuyết bằng tiếng Pháp là một thời thượng của giới trí thức để được ca tụng [9].
Thời còn là linh mục phụ trách các giáo xứ giáo phận Huế, ở đâu ngài cũng chăm lo việc học hành cho trẻ em nhằm nâng cao dân trí ở mức độ nhất định trong hoàn cảnh khó khăn hạn chế thời bấy giờ.
Là một nhà giáo đào tạo chủng sinh, ngài viết nhiều sách giáo khoa, sách khảo cứu:
– Văn phạm Latinh (02 cuốn)
– Văn phạm tiếng Pháp (02 cuốn)
Hai cuốn văn phạm Latinh và văn pháp tiếng Pháp được soạn khúc chiết, rõ ràng, dễ học, dễ nhớ, được phần thưởng của Khâm sứ Tòa Thánh.
– Văn phạm chữ Quốc ngữ (02 cuốn). Tên sách hồi ấy là “Mẹo tiếng Annam”, soạn hoàn toàn theo tinh thần Việt ngữ.
– Toán pháp (02 cuốn)
– Hán tự quy giảng (Văn phạm Hán văn)
– Thường đàm nhật dụng, văn khế đơn tự
– Luận Quốc văn (02 cuốn)
– Pháp tự khúc ca
– Tán nữ khúc ca
– Ngạn ngữ kinh thơ
– Hán-Việt thườn đàm (nhà in Trường AN – Huế, 1942)
– Văn chương thi phú Annam (in lần thứ hai. Nhà in truyền giáo hải ngoại, Hongkong, 1923). Đây là một tác phẩm sưu tầm bình luận về văn chương thi phú của Việt Nam, trong đó có bài Luận về câu: “Lưỡi không xương nhiều đường lắt léo” [10] của Hồ Ngọc Cẩn được cụ Phan Bội Châu đánh giá cao: “Văn chương như chém sắt chặt đanh”.
Là một nhà truyền giáo, giám mục Hồ Ngọc Cẩn viết rất nhiều sách tu đức, sách giáo lý:
– Con muốn ở nhà Đức Chúa Trời (In lần thứ ba, Hongkong, nhà in Nazareth 1930)
– Viện tu trinh nữ
– Tu thân minh cảnh
– Tu sĩ thần lương
– Giúp linh mục cấm phòng (Nhà in Bùi Chu, 1938)
– Tháng Trái Tim Chúa Giêsu
– Tháng Đức Ba, Tháng thánh Giuse
– Gẫm quanh năm (dịch, 5 cuốn)
– Phước họa thị phi (3 cuốn)
– Tuồng (Bảy mối)
– Truy tầm chân đạo (Nhà in Thánh Gia, Bùi Chu, 1951)
– Sách cha mẹ dạy con
– Thận chung truy viễn
– Giáo nhơn hành thiện
– Triết nhơn tri kỷ
– Quê ta ở đâu?
Hai cuốn giáo lý nổi tiếng:
– Bổn Đồng ấu: loại sách giáo lý cho thiếu nhi được dùng khắp các giáo phận, đến năm 1955 còn tái bản và cho đền năm 1975 còn được dùng trong một số giáo xứ.
– Thánh giáo thuyết minh: loại sách giáo lý cho người lớn, được dùng non nửa thế kỷ ở nhiều giáo phận dòng Đa Minh, nhiều lần tái bản. Đồng Tâm tái bản năm 1955.
Những sách của giám mục Hồ Ngọc Cẩn viết có tới hàng trăm cuốn đa dạng.
Giám mục Hồ Ngọc Cẩn còn cộng tác với báo Nam Kỳ Địa Phận, với nhiều bút hiệu: Ngô Ký Ẩn, Ngô Tri Dược, Ngô Ký Vãng, Ngô Tri Lễ… đến bài tựa “Thi Phú” viết ngày 03-07-1913 ký tên Đ. Hồ Ngọc Cẩn.
Giám mục Hồ Ngọc Cẩn còn thành lập nhà in Thánh Gia tại Bùi Chu, in ấn phổ biến sách báo, tài liệu của giáo phận.
Ngài đứng chủ bút tạp chí “Đa Minh bán nguyệt san”.
Về mặt xã hội, Đức cha Hồ Ngọc Cẩn có những hoạt động mưu cầu lợi ích cho giáo dân và đồng bào, xuất phát từ tinh thần bác ái Công Giáo và từ tinh thần yêu nước.
Đức cha thành lập bệnh viện Thánh Tâm ở Bùi Chu, mời nữ tu dòng Phaolô đảm trách khám bệnh, phát thuốc, điều trị hoàn toàn miễn phí cho bệnh nhân bất kể lương giáo.
Ngài còn lưu tâm đặc biệt Sở Dục Anh, Sở Cô Nhi ở Bùi Chu. Nạn đói năm Ất Dậu 1945, Ngài dốc hết quỹ Nhà Chung để cứu đói cho số cô nhi đưa về nuôi cả ngàn em, ngài thân hành chăm sóc tận tay cho các em ăn cơm, uống nước.
Nhân dân vùng biển Kiên Chính, Quần Liêu, Trung Lao, Bắc Ninh bị lũ lụt, hỏa tai đói kém, ngài xuất quỹ của Nhà Chung đưa đến cứu trợ kịp thời.
Cứu trợ chỉ là phương cách nhất thời. Để giáo dục ý thức lành mạnh trong đời sống xã hội cho giáo dân, bài trừ tệ đoan, uốn nắn những sai trái, đả phá nạn cờ bạc, rượu chè, trộm cắp… Giám mục Hồ Ngọc Cẩn thường có thư luân lưu, thời danh nhất là thư luân lưu “Thủy Hỏa đạo tặc” lời văn và ý tưởng sâu sắc thấm vào lòng người.
Năm 1945, sau ngày độc lập, đất nước gặp nhiều khó khăn kinh tế, tài chính… Chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa tổ chức “Tuần lễ vàng” kêu gọi nhân dân đóng góp xây dựng quỹ Quốc Gia. Trong cuộc mít-tinh long trọng tại sân vận động Xuân Trường, đức cha Hồ Ngọc Cẩn tiến lên khán đài, tháo dây chuyền vàng đeo Thánh giá trước ngực của giám mục, tuyên bố:
“Tôi không có gì quý hơn của này. Là giám mục Thiên Chúa, tôi xin giữ lại cây Thánh giá. Là công dân Việt Nam, tôi xin dâng dây vàng này vào quỹ Quốc Gia để góp phần bảo vệ đất nước!”
Giám mục Hồ Ngọc Cẩn là một trong những vị cố vấn tối cao mà chính phủ non trẻ của chủ tịch Hồ Chí Minh lúc bấy giờ yêu cầu.
VĨNH BIỆT QUÊ HƯƠNG, VĨNH BIỆT GIÁO PHẬN
Mấy năm cuối đời, đức cha Hồ Ngọc Cẩn hay nói: “Lão lai tài tận”, nhưng sức làm việc của ngài vẫn năng nổ, lóc cóc máy đánh chữ biên soạn lịch sử chủng viện Ninh Cường , soạn bài giảng, viết lách…
Đức cha tính chuyện nếu về hưu thì xin về quê hương ở Huế để khỏi phiền cho người kế nhiệm. Mà người kế nhiệm thì xem ra đức cha chưa đặt vấn đề. Tuy nhiên ngài khen linh mục Phạm Ngọc Chi, Giám đốc Đại chủng viện Phát Diệm là người có đủ tư cách [11].
Tháng 11-1948, bấy giờ là tháng Mười năm Mậu Tý, trời miền Bắc trở rét sớm. Đức cha bị chứng suyễn hành hạ, nhất là về mùa Đông. Gặp thời chiến tranh, thuốc men thiếu thốn, từng cơn suyễn càng hành hạ đức cha, một cụ già ngoài bảy mươi.
Sáng ngày 26-11-1948, đức cha Nguyễn Bá Tòng về thăm. Người bệnh như khỏe lại. Hai cụ hàn huyên với nhau lâu giờ thân thiết lắm. Ngọn đèn bùng sáng lên nhưng rồi sau đó đi vào tắt lịm. Đức cha Hồ Ngọc Cẩn như kiệt hẳn đi. Vào buổi xế chiều, ngài bị té xỉu.
Lời cuối cùng như lời từ biệt của đức cha:
“…Tôi xin đức cha và mọi người tha những lỗi lầm của tôi. Trong khi coi sóc địa phận, tôi có làm mích lòng ai, mặc dầu tôi không chủ ý, xin bỏ qua hết cho. Tôi xin dâng mạng sống này để cầu cho địa phận được mọi sự lành. Xin mọi người nhớ cầu nguyện cho tôi luôn” [12].
Đức cha lãnh bí tích Xức Dầu cách tỉnh táo, rất sốt sắng. Sau đó , ngài dần dần đi vào cơn mê. Khoảng 23 giờ, ngài trở nên bình tĩnh hơn, trầm tĩnh cầu nguyện theo các cha qua lời kinh “Phó thác linh hồn” bằng tiếng La tinh.
Vào lúc 0g27’ của ngày 27-11-1948, giám mục Đa Minh Hồ Ngọc Cẩn từ trần nhẹ nhàng như đi vào giấc ngủ.
Đức cha hưởng thọ 72 tuổi, với 46 năm làm linh mục trong đó 13 năm giám mục giáo phận Bùi Chu.
Lễ an táng cử hành sáng ngày 30-11-1948. Dòng người kéo dài trên con đường vào 5 cây số từ Tòa giám mục đến nhà thờ Chính tòa Bùi Chu. Tiễn đưa có nhiều nhân vật cao cấp đạo đời: đức cha Nguyễn Bá Tòng chủ lễ, 100 linh mục, ông Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh Nam Định, đại diện Giáo hội Phật giáo Thượng tọa Thích Bảo Long… chính quyền cử đội quân danh dự túc trực quanh quan tài vị Cố vấn của Chính phủ. Dịp này, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi công điện phân ưu [13].
Đức cha Hồ Ngọc Cẩn được an táng trong nhà thờ Chính tòa Bùi Chu. Giáo phận Bùi Chu được Tòa Thánh cử giám mục Lê Hữu Từ làm Giám quản Tông tòa cho đến ngày 03-02-1950 đức cha Phạm Ngọc Chi được Tòa Thánh bổ nhiệm giám mục lãnh đạo giáo phận này.
Lê Ngọc Bích
Trích trong “NHÂN VẬT CÔNG GIÁO VIỆT NAM”, tập 4
[1] Nguyễn Văn Hội, “Tiểu sử các linh mục giáo phận Huế”, Tòa TGM Huế, 1981, tài liệu đánh máy.
[2] Sđd
[3] Lm. Phạm Châu Diên, “Đức cha Hồ Ngọc Cẩn, Giám mục Bùi Chu”, tủ sách Ra Khơi, 1990, tr. 16
[4] Lm. Phạm Châu Diên, Sđd, tr. 17-18
[5] Lm. Phạm Châu Diên, Sđd, tr. 26
[6] Lm. Phạm Châu Diên, Sđd, tr. 28
[7] Lm. Phạm Châu Diên, Sđd, tr. 26
[8] Lm. Phạm Châu Diên, Sđd, tr. 47
[9] NKĐP. No. 1148, 8 Avril 1937; (đã in trong GSD 2, Phần III)
[10] Hồ Ngọc Cẩn, “Văn Chương Thi Phú Annam”, Hongkong, 1923; Đăng trong NKĐP. N° 391, 27 Juillet 1916, 455-457 ; (Đã in trong GSD 3)
[11] Lm. Phạm Châu Diên, Sđd, tr. 50
[12] Lm Phạm Châu Diên, Sđd, tr. 52
[13] “LỄ AN TÁNG ĐC HỒ NGỌC CẦN”, Bùi chu 1949