Điếu Văn “Khóc Đức Giám Mục Lý” của Cụ Phan Bội Châu

Trong cuốn “ Tản văn Sưu toát” của tác giả Nguyễn Thế Thoại được xuất bản 1936, chúng tôi hữu duyên tìm thấy điếu văn “Khóc Đức Giám Mục Lý” của Cụ Phan Bội Châu. Qua đó, chúng tôi nhận thấy Cụ có mối giao hảo thân tình với Đạo Công Giáo, cũng như dành tình cảm tri giao đặc biệt với Đức Cha Lý. Xuyên suốt điếu văn, Cụ không những hết lòng ca ngợi công đức của Đức Cha Lý, mà còn tán dương những người Công Giáo đã nằm xuống với hy vọng máu đào của họ sẽ mang lại cho đất nước một tương lai an lạc. Do đó, việc ghi chép và cố gắng giải thích phần nào những câu văn khó hiểu trong bài điếu văn, là việc làm ý nghĩa để chúng tôi kính nhớ Đức Cha Tổ Phụ trong ngày giỗ lần thứ 88 của Ngài. Dẫu biết rằng chúng tôi còn nhiều giới hạn trong việc đọc và hiểu cách liễu tri điếu văn này, nhưng vì lòng yêu mến Đức Cha Lý và tri nhận sự đóng góp ý kiến chân thành của bạn đọc xa gần, chúng tôi sẽ cố gắng thực hiện tốt hơn việc tìm hiểu bài điếu văn này trong những lần sau.

Điếu Văn “Khóc Đức Giám Mục Lý”

Cửa trời bùng bốn mặt, dắc người vào chẳng kể Á hay Âu; khuôn đất trữ muôn loài, đầy lượng chở tha hồ Tây lẫn Việt. Gương đạo nghĩa vẫn soi lòng bác ái, múi tinh thần càng nhớ bậc tiên tri.

Nhớ Đức Cha xưa: Sao chói trường canh, đèn khêu thượng trí. Nên thánh khuôn nhờ trời đúc, con thiệt in Cha. Chăn cừu lệnh đội Chúa ban, thầy thân hơn mẹ. Nước rưới tội in dường sông hoá biển, từ bờ địa trung hải tràn tới cõi Nam. Lòng ái nhân chẳng kể trắng hay vàng, xem họ Pháp lan tây chung cùng dòng Việt.

Nữa thế kỷ, choảng vang chuông đạo Chúa, mở miệng người câm, xoi tai người điếc, những ước ao beo cọp hoá tường lân. Muôn giáo đồ tắm gội máu tim trời, suốt nam tới bắc, từ gần tới xa, mong mai mốt non sông thành lạc quốc.

Người như thếm lại từ tâm như thế, vẫn nhân ân phổ biến, con trong tới cháu ngoài. Trời đó rư mà Thượng Đế đó rư ? Nên thọ mệnh diên trường, cây đức càng dày quả phúc.

Tôi nhân vì nhiều bạn, thảy con thương của Ngài. Trước hơn vài mươi năm tầng nhiều phen ở Huế. Chẳng trực tiếp, nhưng mà gián tiếp, gió xuân đòi trận, hơi hoà bình từng ngấm vào tim. Ư ngày nay nhắc tới ngày xưa, tiếng ngọc vài lời, mùi thân ái còn say thấu não.

Ai ngờ gần mới, bỗng chốc được tin: Trên Thiên Đàng vội rước Ngài lên, giữa trần thế ai là cha nữa! Con yêu mến giận vì duyên phận tủi, kẻ “thiên nhai hải giác”, giọt thương cha, biết cậy ai chuyền? Nỗi cảm tình riêng cũng khóc thương thầm, tưởng câu “thất nhĩ nhân hà”, nợ thay bạn xin chung lời điếu.

Thốn tâm thiên cổ gọi rằng: “tri tử giả ai”; tứ hải nhất gia, dám chắc “hữu cầu tất ứng”!

Giải thích

  • Sao chói trường canh, đèn khêu thượng trí: Cụ Phan Bội Châu sánh ví Đức Cha Lý như sao trường canh chói lói và trí khôn cao thượng của Ngài sáng như đèn khêu. “Trường canh” là tên gọi riêng của Sao Kim hoặc Sao Kim Tinh. Sao Kim là hành tinh sáng nhất trong Hệ Mặt trời sau Mặt trăng và Mặt trời, nên cũng còn gọi là Sao Thái Bạch. Sao Kim được đặt theo tên vị thần tình yêu và sắc đẹp của La Mã – Venus. Lý do nó được đặt theo tên của vị thần đẹp nhất trong quần thể vì nó tỏa sáng nhất trong số 5 hành tinh mà các nhà thiên văn học cổ đại biết đến. Sao Kim mất 243 ngày Trái đất để quay trên trục của nó, đây là hành tinh chậm nhất trong số các hành tinh chính. Sao Kim quay một vòng quanh Mặt trời mất 225 ngày (so với Trái đất là 365 ngày). Nếu nhìn từ trên cao, sao Kim quay trên trục của nó theo hướng ngược lại với hầu hết các hành tinh. Sao Kim quay từ Đông sang Tây, trong khi tất cả các hành tinh khác đều quay theo hướng ngược lại (từ Tây sang Đông). Nói cách khác, ở sao Kim, Mặt Trời mọc ở hướng Tây và lặn ở hướng Đông. Vào thời cổ đại, Sao Kim thường được cho là 2 ngôi sao khác nhau, ngôi sao buổi tối và ngôi sao buổi sáng. Nó là ngôi sao xuất hiện đầu tiên vào ban đêm và biến mất cuối cùng vào lúc bình minh. Nên câu “sao chói trường canh” tức là Cụ Phan Bội Châu muốn nói Đức Cha Lý như sao sáng soi canh dài, bởi Ngài thọ quá Bát Tuần. “Trường canh” đối với “thượng trí”. “Trường” đối với “thượng”. Bên này chiều cao, bên kia chiều dài.

  • Nên thánh khuôn nhờ trời đúc, con thiệt in Cha: Chính Chúa Giêsu đã nói: “Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5, 48). Đức Cha Lý đã gắng công nắn đúc đời mình nên như khuôn mẫu là chính Thiên Chúa. Nay Ngài đã nên đồng hình đồng dạng với Cha trên Trời.

  • Chăn cừu lệnh đội Chúa ban, thầy thân hơn mẹ: Sứ mạng mục tử chăn dắt đoàn chiên mà Thiên Chúa đã giao cho Đức Cha Lý đã được Ngài thi hành tận tình không chỉ như người thầy, nhưng còn lấy tình hiền mẫu mà dịu dàng chăm sóc ủi an từng con chiên một.

  • Nước rưới tội in dường sông hoá biển: bí tích Thánh Tẩy là cửa ngõ đi vào ngôi nhà Giáo Hội. Trong hành trình mục tử của Đức Cha Lý, Ngài đã dùng nước mà rửa tội cho bao người được làm con cái Chúa. Tựa như sông như biển. Ai hầu kể được.

  • Từ bờ địa trung hải: Đức Cha Lý được sinh ratrong một thôn xóm của giáo xứ Paimpont, Pháp quốc.

  • Lòng ái nhân chẳng kể trắng hay vàng: tấm lòng yêu thương của Đức Cha Lý được dàn trải cho hết mọi người, bất luận là người Pháp hay Việt Nam, người có đạo hay lương dân, người giàu có hay kẻ khốn cùng. Đó là lý tưởng: “Diligo Omnes – Yêu hết mọi người”.

  • Beo cọp hoá tường lân: tường lân là con kỳ lân, dấu hiệu tốt lành. Ý tác giả muốn nói nhờ gương sáng của Đức Cha Lý mà kẻ dữ được nên lành thánh: “Trong dung nham gỗ mục thành đá quý

  Trong Thần Khí đồ bỏ hoá thánh nhân”.

  • Vẫn nhân ân phổ biến, con trong tới cháu ngoài: “Anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34). Đức Cha Lý luôn thực thi giới răn yêu thương của Tin Mừng. Dù trải qua nhiều chức vụ, nhưng Ngài luôn thi ân bố đức cho hết mọi người: “con trong” là những người bên giáo, “cháu ngoài” là những ai bên lương. Ngài giúp đỡ cả lương lẫn giáo.

  • Thọ mệnh diên trường: vâng mạng sống lâu.

  • Gió xuân đòi trận, hơi hoà bình từng ngấm vào tim: nhờ gió xuân man mác thổi những hơi thở hoà bình của Đức Cha Lý đến con tim của Cụ Phan Bội Châu. Đã hơn đôi lần trong đời, Cụ đã nghe thiện hạ tán dương Ngài là con người hoà nhã an bình, cũng như đã nghe được những lời giảng dạy đầy tình yêu thương con người của Ngài.

  • Tiếng ngọc vài lời, mùi thân ái còn say thấu não: những lời của Đức Cha Lý nói như nhả ngọc phun châu, đầy mùi thân ái, đã làm cho Cụ Phan Bội Châu không tài nào quên được những phút giây được hạnh ngộ hầu chuyện với Ngài. Những lời lẽ đó mãi còn in sâu trong tâm trí hẳn còn say sưa êm đềm của Cụ Phan Bội Châu.

  • Thiên nhai hải giác: Góc biển chân trời. Tâm trạng thương nhớ của tác giả vì Đức Cha Lý nay đã khuất mặt. Nỗi đau xót này không biết cậy nhờ ai chuyển tới Đức Cha.

  • Thất nhĩ nhân hà”: nhà gần đó mà Đức Cha Lý đã đi đâu xa. Cũng có người bạn thân đàn mắc nợ ân tình với Ngài, cho nên thay bạn mà chung lời đưa tiễn Đức Cha.

  • “Thốn tâm thiên cổ”: tác giả xin được lưu giữ tấm lòng thân ái đối với Đức Cha Lý đến muôn đời.

  • “Tri tử giả ai”: biết chết sinh ra đau buồn ấy mới là tình bạn chân chính.

  • “Hữu cầu tất ứng”: năng cầu nguyện và khóc thương Đức Cha Lý nhiều đến thế, thì trên chốn Thiên Đàng ắt Ngài lại không hộ vực cho.

Pietro Anh Tài, CSC