Chân dung và nếp sống Đức cha Đôminicô Maria Hồ Ngọc Cẩn

1. Chân dung

Trước khi đi sâu vào tâm hồn, ta dừng lại ngắm chân dung Đức Cha. Ngài tầm vóc cân đối trung bình, nói đúng ra là hơi thấp một chút; khi cử hành lễ trọng, ngài phải chọn cha giúp lễ cho vừa tầm. Phong thái ung dung, dáng đi nhẹ nhàng. Khuôn mặt trái xoan, vầng trán cao rộng, đôi mắt bồ câu long lanh như hai hạt ngọc, cặp môi hơi dầy, coi như lúc nào cũng nhoẻn miệng cười. Hai tai lớn, dái tai chùng. Mái tóc về già vẫn còn xanh. Chòm râu bạc trải dài trước ngực, phất phơ trước gió, làm tăng vẻ đạo mạo uy nghi. Khi mới ra Bắc, ngài có nước da  ngăm ngăm, có lẽ vì ảnh hưởng mùa hè nóng nực ở Huế, nhưng càng lâu càng trắng đẹp ra. Tiếng nói của ngài đầm ấm, ôn tồn, giảng như rót vào tai. Ban đầu, cái giọng nằng nặng xứ Huế còn nhiều, giáo hữu cho là ngài nói trọ trẹ, nhưng về sau, ngài nói thuần giọng Bắc.

Ngài viết chữ ngả và lớn, nét run run, nhưng đĩnh đạc, rất dễ đọc. Ngài viết thong thả như vừa viết vừa suy nghĩ, nên đầu thư đầu sách ngài chỉ viết một lần, rồi đưa xếp chữ in. Thay hoặc cần sửa một đôi chữ thì ngài dùng tẩy. Nếu phải sửa một vài dòng thì ngài cắt giấy dán lên mà viết lại. Gặp thời chiến tranh khan giấy, ngài thường viết trên mặt sau các đơn từ cũ đóng lại. Theo kinh nghiệm của ngài, viết bằng tay có hứng hơn viết bằng máy, dường như có sự truyền thông trực tiếp giữa khối óc và bàn tay.

Ngài có máy đánh chữ nhỏ, đi đâu một hai ngày cũng đem theo. Ngài đánh có bốn ngón, gọi là đánh “mổ cò”, tuy chậm nhưng sạch sẽ, không sai suyễn. Các giấy tờ quan hệ, ngài tự đánh máy lấy, bao giờ cũng có bản lưu, được sắp xếp cẩn thận theo nguyên tắc văn phòng.

Việc ăn uống, ngài rất giản dị. Người ta dọn cái gì ăn cái nấy, không tỏ ý muốn thức gì, nhất là không hề nói đồ ăn ngon dở. Vẫn ăn theo kiểu Huế, nay lại ăn món đồng quê Bắc Việt, tất có nhiều sự phải hy sinh, nhưng không bao giờ thấy ngài tỏ dấu gì khó chịu. Luật Chủng viện ngài ra, cấm không được phê bình đồ ăn. Khi có học sinh nào nói đến việc ăn uống, dù là nói giỡn chơi, ngài cũng gạt đi, bảo là tinh thần thế tục: esprit mondain. Ngài không ăn vặt ngoài bữa, không uống bất cứ thứ rượu nào.

Trong bản luật Chủng viện, ngài dạy chúng tôi đừng bỏ bữa nào mà không làm một hai việc hãm mình, lại ăn thế nào cho đứng dậy còn thòm thèm. Có lần ngài nói với chúng tôi: “Bữa nào cha cũng làm việc hãm mình, nhưng kín đáo, không ai biết được”.

Về việc mặc, ngoài phẩm phục theo chức, các áo khoác là vải thường may kiểu cổ xưa, và cũng chỉ có ít cái để thay đổi. Khi ngài qua đời chỉ còn thấy hai áo cộc trắng cài cúc một bên.

Về phương tiện, ngài di chuyển bằng xe tay, một người kéo một người đẩy. Cũng có khi ngài dùng cáng, dùng thuyền tùy theo trường hợp. Về sau, Nhà chung sắm cho ngài một xe hơi cũ, mỗi lần đi đâu phải sửa soạn trước. Ngài cho tài xế về ở nhà, khi cần mới gọi, vì ít khi dùng tới xe hơi.

Nhà nguyện, phòng ở của ngài làm theo lối cổ, thiếu tiện nghi, ngài không hề sửa chữa, có sao ở vậy cho đến chết, trong khi lại đôn đốc sửa sang Nhà thờ chính tòa cùng nhiều cơ sở khác.

2. Nếp sống

2.1. Đức nhẫn nại

Đức Cha có một đời sống tu luyện rất phong phú, nổi nang về nhiều nhân đức, khó lòng mà nói ngài trội về nhân đức nào hơn cả, như thường thấy trong truyện các thánh nhân.

Điều hợp lý là ta bắt đầu nói đến nhân đức, ngài đề ra cho mình trong khẩu hiệu Giám mục. Đó là nhân đức nhẫn nại: In omni patientia.

Theo lời các cựu môn sinh, thuở trẻ ngài có tính nóng, chẳng những ngăm đe mà đôi khi còn dùng thước kẻ vắn để phạt nữa. Để thắng dẹp tính tự nhiên ấy, hẳn ngài đã phải tập đức nhẫn nại từ lâu, chứ không phải khi làm Giám mục mới chú tâm tới.

Người xưa nói: “Nhẫn nhục phụ trọng”, nghĩa là có nhẫn nhục mới kham việc lớn được. Hay nói ngược lại: làm việc lớn phải biết nhịn nhục. Từ khi làm Giám mục, ngài tỏ ra hiền hòa vui vẻ đến nỗi ít ai biết ngài nguyên có tính nóng nảy. Trái còn xanh thì chua. Trái đã chín thì ngọt. Lúc nào gương mặt ngài cũng tươi sáng, ánh mắt long lanh, miệng cười chúm chím. Gặp sự bất như ý, ngài chỉ hơi nghiêm khắc, chứ không nói lời cứng xẵng, không làm cử chỉ bất bình.

Ngày kia, ngài nghiêm khắc ban lời sửa dạy cho một linh mục có lỗi thì cha ấy chữa mình: “Khẩu hiệu Đức Cha là nhẫn nhục”.

Ngài liền nói: “Tôi nhẫn nhục để cha được tự do làm bậy sao?” Thời đó, Đức Cha đang lo việc cải tổ ở nhà Phước thành Nhà dòng. Hội đồng Giáo phận cùng đại đa số linh mục đều ưng thuận. Tuy nhiên cũng có mấy linh mục ngấm ngầm phản đối. Không làm gì được thì họ phản tuyên truyền nơi nhà Phước cũ và không hợp tác với nhà dòng mới. Tích sau đây chính tôi chứng kiến.

Hôm ấy, khoảng 10 giờ sáng, tôi ở tầng dưới nghe tiếng giày đinh nện mạnh từng bước trên sàn gỗ tầng lầu, là nơi Đức Cha ở. Rồi thấy có tiếng dức lác. Nhưng không hiểu sao, các tiếng giày đinh lại lộn lại, lần này nghe gắt hơn. Có tiếng gõ cửa phòng Đức Cha kịch liệt. Lúc đó, ngài đang quỳ cầu xin trong nhà nguyện, liền trở ra tiếp người đi giày đinh.

“Tôi đã hiểu ý cha, đã nói hết lời. Vậy cha cứ về đi, sau này sẽ hay”.

– “Không, Đức Cha cứ cho phép con nói thêm chút nữa đã”.

Ngài điềm đạm ngồi nghe cho đến khi cha kia nguôi giận, xuống lầu. Ngài lại gấp gấp vào nhà nguyện kêu van với Chúa.

Về sau được biết đó là một linh mục không chịu tiếp tục làm lễ cho một chi nhánh dòng Mân côi, gần nơi người làm việc nữa. Vậy mà Đức Cha cũng không thuyên chuyển cha đó cho đến ngày ngài qua đời.

Trong chữ nhẫn của ngài có kèm theo chữ đảm. Nhẫn là chịu sự khó cho êm thắm. Đảm là để làm việc khó cho thành công. Chữ đảm tích cực hơn chữ nhẫn là thế. Một cộng sự viên của Đức Cha khen ngài là “lý sự can tràng”[1]. Nhất là buổi ban đầu, ngài phải ra tay dẹp bỏ những tập tục cổ hủ, canh tân nếp sống đạo lỗi thời của giáo dân, quét sạch rác rến trên con đường tu thân của hàng giáo sĩ, biết bao là sức chống đối phải đương đầu. Nhưng ngài cứ một mực kiên trì, cương quyết làm cho bằng được. Chính nhờ ngài, Giáo phận Bùi Chu có được một bộ mặt khả quan.

2.2. Sự giảng huấn

Khẩu hiệu ngài nằm gọn trong hai tiếng nhẫn và giáo. Nhẫn như đã nói ở  trên là cung cách ngài thi hành chức vụ. Giáo là giáo lý, là Thánh đạo. Đó là sứ mạng Thiên Chúa ủy thác cho ngài, sứ mạng giảng đạo, hưng đạo và truyền đạo.

Sứ mạng cao cả đó, ngài nhiệt tâm thi hành bằng lời giảng, bằng thư chung, bằng sách báo và bằng cơ sở truyền giáo.

1) Giảng dạy

Ngài có tiếng là giảng hay và hay giảng. Ít có đấng nào năng giảng bằng ngài. Suốt đời làm Giám mục, ngài đích thân giảng tĩnh tâm cho các Cha, không phải mời đấng nào cả. Ấy là chưa nói các tuần tĩnh tâm cho Chủng viện, Tu viện, có khi cho cả các Hội đoàn nữa.

Bởi theo ngài, giảng dạy cho hẳn hoi là một trách nhiệm rất quan trọng. Đề tựa cuốn “Bài giảng Chúa Nhật, Lễ Trọng quang năm” của chính mình, ngài viết: “Kẻ chăn chiên phải tìm đồng xanh cỏ tốt để dắt bầy chiên đến ăn cho béo mập. Đoàn chiên Chúa phó cho các Thầy cả chăn xem nuôi nấng, ấy là các linh hồn, nhất là linh hồn các giáo hữu bề trên đã phó cho. Mà của nuôi các con chiên là gì, thì hãy nghe lời Đức Giêsu phán rằng: “Người ta sống chẳng phải là bởi bánh mà thôi, lại bởi lời Đức Chúa Trời đã phán” (Mt 4,4). Vậy lời Đức Chúa Trời là của nuôi con chiên bổn đạo. Vì như của nuôi phải nấu phải dọn hẳn hoi mới ăn được: nay lời Đức Chúa Trời cũng thế, ta muốn đưa lời Đức Chúa Trời vào lòng giáo dân, thì ta phải dọn, phải nấu trước cho chín, nghĩa là phải dọn bài giảng cho tử tế và học cho thuộc lòng.

Bởi đâu mà con chiên giáo hữu nhiều nơi còn dốt nát lẽ đạo và còn người nguội lạnh khô khan, chẳng qua là vì thiếu lời giảng dạy. Không hay giảng hay là giảng không hay thì cũng thế. Nói rằng giảng hay không có ý nói rằng phải giảng cho văn hoa khéo léo, một có ý nói rằng phải giảng cho trúng lý, cho rõ ràng, cho nghiêm trang, cho xứng đáng.”

Điều ngài nói trên đây thì chính ngài đã làm. Ít có đấng nào dọn bài giảng kỹ như ngài. Chẳng những khi mới vào nghề, mà có khi đã làm Giám mục và trở về già, hầu hết các bài giảng, ngài đều viết ra từ đầu tới cuối. Hơn nữa, ngài còn soạn cuốn “Bài giảng Chúa Nhật, Lễ Trọng quang năm”, gồm 65 bài, trước đăng trong Tạp chí “Đa minh Bán nguyệt”, sau in thành sách cho các Cha dùng.

Bài ngài giảng chỉ chừng 20 phút, nhưng súc tích, mạch lạc, trưng nhiều Thánh kinh và Giáo phụ. Mỗi bài thường là một câu Thánh kinh hoặc Thánh ca quảng diễn. Có khi cả tuần phòng 10 bài cũng chỉ khởi hứng từ một câu Phúc âm. Vì thế, bài giảng của ngài rất dễ nhớ, dù đã lâu năm.

Cách ngài giảng thì giản dị, ít điệu bộ, không hùng biện như Đức Cha Tòng, nhưng khoan thai, thấm thía đầy đạo vị. Giọng nói của ngài thì đậm đà, nhè nhẹ như mưa xuân phui phủi làm cho hoa lòng mở rộng, đón lấy ân sủng dồi dào.

2) Thư chung

Thư chung cũng gọi là Thư luân lưu, vì ngày xưa chưa có phương tiện ấn loát, thư Tòa Giám mục phát ra chỉ có một bản viết tay, các nơi luân lưu nhau mà đọc. Đó là phương tiện thứ hai Đức Cha dùng để giảng dạy. Mười hai năm coi sóc Giáo phận, ngài ban hành 73 thư chung, tính trung bình mỗi năm 6 lá.

Mỗi mùa chay đều có thư mục vụ, có thư dài tới mấy chục trang. Thời danh nhất là lá thư Thủy hỏa đạo tặc, đả phá tứ đổ tường. Mỗi Tết đầu năm lại có thư khuyên răn chúc tuổi. Sau một cuộc kinh lý hoặc nhân một biến cố gì, mà nhận thấy có điều phải sửa chữa, có việc phải chấn hưng thì ngài lại có thư luân lưu. Một số thư khác đề cập đến các hội đoàn công giáo.

Trước kia ít có Thư chung, mà nếu có thì người Tây viết văn Ta, nghe nó lủng củng lắm. Đến khi giáo hữu được nghe thư Đức Cha Hồ thì trầm trồ khen ngợi, vui thú vô cùng.

Ai nói được các thư luân lưu ấy đã giúp việc chấn hưng sự đạo trong Giáo phận là chừng nào! Về sách báo và cơ sở truyền giáo đã nói ở trên, tưởng không cần nhắc lại đây nữa.

2.3. Tính vui vẻ

Mặc dầu có nhiều ưu tư theo chức vụ, ngài vẫn sống trong sự an vui của Chúa. Sự an vui đó tỏ lộ chẳng những trên nét mặt, lại cả trong thái độ và lời nói. Ngài thật là vui tính.

Ai cũng biết Đức Cha Tòng với ngài là bạn cố tri. Mỗi khi gặp nhau thì các ngài nói đủ chuyện hài hước. Đức Cha Tòng kể: “Một hôm, ông cố thừa sai ngồi bàn ăn, thấy không dọn dĩa lót liền hỏi anh giúp bàn: – Ăn không đĩa thì sao? – Thưa cố, ăn không đĩa thì chết ạ!

Sau trận cười như nắc nẻ, Đức Cha Hồ nói:

Đức Cha này, con có con mèo biết nói! – Ủa thật không?

Thật chứ! Nói xong, Đức Cha Hồ nắm cổ con mèo đang luyện quyện bên mình, giơ lên, rồi làm bộ hỏi nó:

– Cái dĩa này tròn hay méo? Hỏi rồi véo mạnh một cái, mèo liền thưa:

Méo! Méo!

Hai cụ già lại được một trận cười dài.

Trong một cuộc kinh lý, Đức Cha Hồ đứng lại xem hàng ảnh đạo bày bán quanh nhà thờ, người lớn trẻ con vây kín. Thấy họ bày bán những bức tranh khắc mộc in tay, tô màu sặc sỡ, vẽ hình mình, ngài liền hỏi giá bao nhiêu. Họ trả lời là một xu rưỡi. Ngài cười nói: – Giá Thầy có bấy nhiêu thôi sao?

Cũng lại truyện tranh. Hôm kia, thấy ảnh hai Đức Cha bày bán. Đức Cha Tòng ngó ảnh Đức Cha Hồ rồi nói: Bộ râu coi lôi thôi quá!

Đức Cha Hồ vội trả lời: Ảnh Đức Cha không có râu, họ xem cứ tưởng là bà nào!

Cả hai cụ lại cười vui vẻ.

Đức Cha Hồ có tài tán tự. Trong bài phi lộ của “Đa Minh Bán Nguyệt San”, ngài viết: “Bán Nguyệt” trăng rằm. Đa Minh nhiều sáng. Tạp chí này sẽ như ánh trăng tròn, dịu dàng chiếu tỏa khắp gần xa”.

Trong mục truyện cười ngài viết:

– “Đố cái gì ăn mà không nên nói?

 – Đó là hành…

Trong lễ tuyên hứa của đoàn Hướng đạo sinh tại Bùi Chu, khi ban huấn từ, ngài nói: – Chúng con là Sì-cut. Sicut erat in principio et nunc et seemper. Sì-cut phải luôn luôn là Sì-cut, nghĩa là sống mãi để hoạt động[2].

Năm 1945, gặp nạn đói Ất Dậu, và trước sự uy hiếp của quân đội Nhật Bản, Đại chủng viện Quần phương phải di tản ra miền ven biển, mỗi ngày chỉ có một bữa cơm lưng lửng và một bữa cháo. Ngài tới thăm thấy chúng tôi đang tự học tiếng Anh thì hỏi:

Chúng con học gì thế?

– Thưa chúng con học tiếng Anh.

Thế tiếng Anh gì là ăn?

– Thưa là to eat (tù ít).

– Thế thì to eat là ăn, ăn là ăn ít.

Năm ấy, Chủng viện Ninh Cường diễn lại cuộc lễ gắn huy chương cho ngài tại Văn Lý. Chú Hùng đóng vai Đức Cha, chân đi vàn vạt. Sau cuộc, ngài gọi chú lại khen và mắng qua nụ cười: “Con dám nhạo cha sao?”

Năm 1937, tôi theo ngài vào thăm xứ Huế. Qua sông Hương rồi, ngài trả cho chị lái đò một số tiền kha khá. Thấy chị không tỏ dấu hài lòng, ngài nói với các cha: Mulier nunquam batis. Nghĩa là phụ nữ không bao giờ biết đủ.

Có lần một Cha đổi xứ, giáo hữu kéo lên khóc lóc ái mộ. Đức Cha an ủi ít lời cho họ về. Sau đó, ngài nói với các Cha: “Chẳng có gì mau khô bằng nước mắt”.

Như Thánh Gioan tông đồ về già và nuôi con vẹt để giải khuây, Đức Cha Hồ cũng nuôi một con mèo và một con chó. Chú mèo thường quyện bên ngài. Còn lúc ngài ngồi đánh máy chữ, chú khẽ lại giơ chân vờn vờn, ngài phải ngừng tay, vỗ vỗ xê chú ra một bên. Còn chú chó thì theo ngài đi bách bộ chiều hôm. Bổn đạo bảo nhau: “Đức Cha có con chó như Thánh Đa Minh vậy”. Sau khi ngài tắt thở, người ta xua chó ra khỏi phòng, nó không chịu, cứ quyện trở lại, sau phải bế nó xuống mới xong. Thật là khuyển mã chi tình.

2.4. Thầy Dòng không tu phục

Tuy không tuyên ba lời khấn, Đức Cha đã thực hành ba nhân đức dòng một cách đáng nêu gương. Nào ngài đã chẳng là Bề trên thực hiện Dòng Thánh Tâm tại Huế, và Đấng sáng lập Dòng Mân côi tại Bùi Chu đó sao?

1) Đức Thanh bần

Tại một mục ở trên, ta đã thấy nếp sống giản dị của ngài. Cơm ăn, áo mặc, nhà ở nhất nhất đều đơn sơ. Cả khi đã làm Giám mục, ngài không màng gì đến các tiện nghi đời sống. Ngài rất ít lưu tâm đến tiền bạc. Trong các cuộc kinh lý, người ta dâng đồng nào, ngài liền phát cho đoàn Nghĩa binh đến mừng ngài. Năm 1946, thấy tôi là nghĩa tử ngài sắp thụ phong linh mục, ngài lo lắng không biết lấy gì mà sắm sửa cho. Thế rồi, ngài ban cho tôi các bộ lễ phục cũ của ngài, và giữ lại các bộ khá hơn dùng cho đến chết. Lúc ngài qua đời, quỹ riêng của ngài chỉ còn vỏn vẹn 1000 đồng tiền ngân hàng. Đồ thờ, sách vở đều trối cho Nhà chung. Dường như ngài không có của gì quý phải trối cho ai cả.

Một môn đệ cũ ở Huế nói: “Đức Cha Hồ vốn sống khó nghèo”. Khó nghèo nhưng lại hay chia sẻ. Một thầy giáo giảng đạo kể lại rằng: “Ngài rất rộng rãi trong việc truyền giáo. Có lần ngài đã cho tôi một số tiền to để sửa sang cơ sở và giúp đỡ tân tòng”.

2) Đức Khiết tịnh

Cứ suy lời ngài giảng cho chúng tôi ở chủng viện thì biết ngài quý trọng đức trong sạch ngần nào. Mượn lời thánh ca Đa vít (23,3) ngài nhấn mạnh phải có tấm lòng trong trắng, có bàn tay tinh sạch mới đáng lên núi thánh, mới được vào thánh cung. Tay đã sờ thần Vệ nữ sao dám chạm đến con Đức Mẹ đồng trinh? Sau khi kể dụ ngôn con cáo con cò đãi tiệc nhau, ngài nói: “Đã tu thì tu cho trọn, đừng liếm láp đê hèn như con cáo”.

Ngài tiếp khách phụ nữ, kể cả nữ tu cách chóng vánh, đằm thắm và nghiêm trang, không có kéo dài. Tôi thấy mấy lần, khi ngài đau yếu, một bà dòng người Pháp lên phòng tiêm thuốc cho ngài, ngài liền bấm chuông gọi thầy hầu cận lên, như để có người chứng kiến.

3)  Đức vâng phục 

Đời linh mục, ngài hằng vâng phục bề trên, lãnh nhận những nhiệm vụ được giao phó và tận tâm tận lực chu toàn. Ngài nhận coi xứ Kẻ Hạc nghèo nàn hẻo lánh trong tỉnh Quảng Bình. Sau đó làm Giáo sư Chủng viện An ninh, cái ghế buồn tẻ, không bổng lộc trót 15 năm. Sau cùng làm Bề trên tiên khởi Dòng Thánh Tâm Huế, một nhà dòng mới có trên giấy tờ suốt 10 năm cho đến khi đắc cử Giám mục. Biết bao điều khó khăn về tinh thần lẫn vật chất.

Đối với Đức Giáo Hoàng, ngài đã cúi đầu phụng chỉ lãnh chức Giám mục, mặc dầu trong dạ không vui. Một năm làm phó tại Bùi Chu, cảnh ngộ éo le, nhân tình lạnh nhạt, ngài cứ một mực theo ý Đức Cha già. Trong vụ các thầy bỏ Đại Chủng viện Nam Định về Bùi Chu, ngài đã vâng lời Tòa Thánh cho hầu hết Chủng sinh lại lên học, mặc dầu điều ấy, tuy là lỗi tại các thầy, nhưng xem ra cũng làm nhẹ thể diện của ngài.

Chẳng những theo ý bề trên, ngài còn sẵn sàng chiều lòng bề dưới, khi không có gì nghịch ý Chúa. Mấy bà phước ngoại quốc phục vụ tại Bùi Chu nói: “Đức Cha tốt lắm, việc lễ lạy chúng tôi muốn gì ngài cũng làm cho”. Sống bên ngài, người ta có cảm tưởng như sống bên cạnh một tu sĩ đơn thuần, không có chức tước gì cả.

2.5. Tính siêng năng cần mẫn

“Cha hãy sống như một chủng sinh thì cha sẽ nên thánh”. Đó là câu thánh Gioan Vianney trả lời cho một linh mục trẻ đến hỏi về cách thế nên hoàn thiện. Vì đời sống Chủng viện là đời sống có mực thước: có giờ cầu nguyện, giờ học hành, giờ ăn nghỉ, giờ làm việc.

Nếp sống này, Đức Cha đã quen giữ khi làm chủng sinh, khi làm giáo sư, lúc làm Bề trên tu viện, này làm Giám mục, ngài cũng vẫn giữ như vậy. Biết ngài quý trọng thời giờ siêng năng làm việc chừng nào!

Một linh mục cộng sự viên của ngài viết như sau: “Suốt ngày đêm, trừ lúc ăn lúc ngủ, ngài cứ làm việc một mình nơi bàn giấy. Lúc vào giường ngủ, ngài còn cầm sách đọc cho đến khi rời tay mới tắt đèn. Hễ không ngủ được, ngài lại dậy làm việc mà ban ngày không có ngủ bù[3].

Cả cuộc đời của ngài diễn tiến như một ngày: 4 giờ sáng bất kể mùa Đông hay mùa Hạ, ngài đã thức dậy, nguyện gẫm nửa giờ, 5 giờ làm lễ và cám ơn tại nhà nguyện riêng, 6 giờ điểm tâm sơ sài chút cháo, hoặc củ khoai ăn với bơ. Sau đó, ngài vừa đi lại trên hè vừa đọc sách giờ kinh.

Từ 7 đến 11 giờ, ngài ngồi làm việc tại bàn giấy: xem xét hồ sơ, giải quyết vấn đề, trả lời thư tín, soạn bài giảng, thảo thư chung, viết sách báo, đánh máy chữ…Thỉnh thoảng ngài phải dừng tay tiếp khách. Các cha, các thầy thì ngài tiếp ngay trên phòng. Còn nữ tu, giáo hữu thì ngài tiếp tại phòng khách ở tầng dưới, hoặc ở ngoài cổng ngăn. Ngài tiếp khách cách vui vẻ, lắng nghe rồi giải quyết, thường chóng vánh, không mấy khi kéo dài. 11 giờ, ngài viếng Thánh Thể, xét mình riêng về một vấn đề, đọc giờ kinh.

11 giờ 30, ngài xuống dùng bữa thanh đạm với các cha tại nhà cơm. Trong khi ăn, ngài thường nói chuyện vui, cổ kim đời đạo, không đề cập tới những vấn đề cần nhiều suy nghĩ. Sau giờ nghỉ trưa và đọc Giờ kinh, ngài lại làm việc như ban sáng từ 2 giờ đến 5 giờ chiều. Rồi ngài xuống sân, ra vườn, hoặc ra đường đi dạo với một cha hay là một thầy, cho đến bờ sông Ninh Cơ mới trở về.

Sau khi dùng bữa tối, ngài chuyện vãn với các cha một lúc, rồi lên nhà nguyện riêng lần chuỗi, xét mình và kết thúc Giờ kinh để kết thúc một ngày đầy công việc. Sau đó, ngài còn thức làm việc cho đến khuya mới đi ngủ.

Chúa nhật, lễ trọng, ngài ra Nhà thờ chính tòa, ban sáng để dự lễ nhì, ban chiều để dạy Giáo lý và chầu Phép lành Thánh Thể. Những ngày đi khỏi nhà, như kinh lý Giáo khu, viếng thăm Chủng viện, có thể được bao nhiêu, ngài cũng cố giữ nếp sống nói trên.

Chính vì quý trọng thời gian và chăm chỉ làm việc như thế, ngài nắm vững tình hình Địa phận, xét xử mọi việc mau lẹ, thông minh, soạn thảo nhiều tài liệu giáo huấn và sách vở như vậy.

2.6. Đức khôn ngoan chân thật

Đức Cha dung hòa được hai nhân đức dường như tương phản, do Chúa Giêsu đề ra. Đó là khôn ngoan mà ngay thật.

Một cộng sự viên của ngài đã nhận xét: “Ngài khôn ngoan lý sự, nhưng ngài thật đơn sơ[4]. Tên ngài cũng như nói lên đức tính của ngài. Đó là cẩn trọng, khôn ngoan. Đúng vậy, ngài cẩn ngôn, cẩn hành.

Miệng người công chính nói lời khôn ngoan. Lời khôn ngoan ấy, người đồng thời đã được nghe mà lấy làm thú vị. Lời khôn ấy, ngày nay ta còn đọc được trong các tác phẩm của ngài mà lấy làm thâm trầm.

Đức khôn ngoan còn biểu hiện trong sự im lặng. Ngài chỉ nói khi cần, khi có ích. Ngài không nói trống ra những điều cần giữ kín, không nói xấu những kẻ đối phương, thực hành câu “Thủ khẩu như bình”.

Nhưng đức khôn ngoan tỏ rõ hơn cả trong các việc ngài làm. Về giáo phận gặp phải bầu khí tẻ lạnh của giới hữu quyền, ngài đã cư xử tế nhị thế nào để trót lọt, cho đến khi nắm được quyền lãnh đạo. Trong việc phân chia tài sản với Giáo khu Thái Bình biết bao điều khúc mắc, ngài đã lấy sự khôn sáng siêu nhiên để giải quyết êm xuôi. Trong việc canh tân Địa phận, ngài đã khéo dùng người: tri nhân thiện nhiệm[5]. Nhất là đả phá hủ tục, xây dựng thuận phong, gặp bao cản trở, ngài đã vượt qua hết để đưa con thuyền Bùi Chu thẳng tới bến vinh quang. Ôi, nói sao hết sự khôn ngoan của ngài! Toàn thể Địa phận Bùi Chu, mỗi người là một nhân chứng về sự thăng tiến của Địa phận nhờ đức khôn ngoan của ngài.

Người đời khôn thường hay quanh quéo. Trái lại đây là ông Nathanael không biết tới mưu mô. Tính đơn sơ chân thật, ngài không tin có sự mờ ám trong việc phân chia tài sản với Giáo phận mới. Ngày 28 tháng 9 năm 1936, Đức Cha Thái Bình mời ngài lên Nam Định về việc chia ruộng, nhưng xin ngài đi một mình đừng đem vị nào theo. Ngài lòng ngay ký các văn kiện, nhưng đem về thì thấy còn sót nhiều sở ruộng, sự phân chia thiếu công bằng. Hội đồng Địa phận phải trưng đủ tài liệu ngài mới chịu tin và thương thảo lại với Đức Cha Thái Bình cho đến khi xong xuôi.

Cả khi vì ích chung mà phải tranh đấu, ngài cũng không dùng bá đạo mưu mô, mà chỉ dùng vương đạo với tài liệu chính xác, và lý lẽ cương cường. Chẳng hạn trong việc tranh đấu tái lập Đại Chủng viện, ngài nói với Đức Khâm sứ thà mất Giáo xứ Quần phương hơn là mất Đại Chủng viện, vì ích chung của cả Địa phận lớn hơn ích riêng của một giáo xứ. Muốn nói phải trái về vấn đề tài sản Địa phận, ngài đưa ra các bản báo cáo thường niên của 5 năm liền mà ngài hỏi mượn tại công hàm Bộ Truyền giáo, vì bản lưu không còn tại Tòa Giám mục.

Trong khi điều hành công việc chung, ngài cứ lấy trí thông minh và lương tâm mà nhận xét để xử sự, không hề dùng ai dò thám, hoặc để ai phỉnh gạt được mình. Vì thế, trong đời ngài, tuy cũng có điều nọ điều kia bất như ý, nhưng không ai kêu ca ngài là thiên tư, hoặc nghe lời xiểm nịnh.

2.7. Lòng khiêm nhượng, hiền từ

Thánh Tâm Chúa Giêsu mà ngài nhiệt thành sùng mộ, đã thông ban cho ngài lòng khiêm nhượng, nhân từ.

Nhân hiền tại mạo[6]. Thấy ngài lúc nào cũng nét mặt vui tươi, lời nói ôn tồn, cử chỉ nhã nhặn, ai cũng tưởng ngày bẩm sinh như thế. Không đâu, nóng giận là bẩm tính của ngài. Trái xanh chua ấy nấu với đường mật hiền từ đã trở thành mứt ngọt.

Đối với những người hầu cận, ngài rất nhân từ, không quở trách, không đòi hỏi nhiều, sai khiến họ mức tối thiểu. Một thầy giảng và một ông bô được cử hầu ngài, đều vui vẻ phục vụ từ ban đầu cho tới khi ngài qua đời, không cần thay thế, cũng không nghe họ ta thán bao giờ.

Các cộng sự viên trực tiếp như cha Quản lý, cha Thư ký được ngài thương yêu nương nhẹ. Đối với mọi người, dù khi phải xử thẳng theo chức vụ, ngài cũng làm cách ôn tồn: fortiter sed suaviter[7]. Khi gặp sự trái ý, ngài cầm lòng, không lớn tiếng, cùng lắm là tỏ vẻ buồn và gãi râu.

Sự hiền từ càng biểu lộ khi ngài giảng dạy. Ngài không hề dùng lời chua chát, không ám chỉ cá nhân, chỉ giảng theo sự chung, rồi để người nghe tự xét mình. Sau khi làm gương, ngài dạy các cha “chớ nói những lời ngang tàn thô bỉ, chớ lợi dụng tòa giảng mà hả hơi cho đỡ giận[8].

Thầy chí thánh liên kết hiền từ với khiêm nhượng. Vì không khiêm nhường thì hiền từ sao được?

Đức Cha có một sự khiêm nhường hết sức tự nhiên, không có gì là lập dị. Trong nếp sống, ngài tránh tất cả những thứ gì là xa hoa: phòng ở, áo mặc, đồ dùng nhất nhất đều đơn giản. Khi ngài mất, trừ đồ thờ phượng, còn lại không có một vật gì đáng giá. Đáng kể nhất có là cái dù đen, cái máy chữ, cái đồng hồ báo thức.

Nhờ ơn Chúa và công luyện tập, ngài có nhiều tài đức, nhưng không hề có vẻ gì tự mãn, tự hào. Một đôi khi có nói tới thì ngài nói qua như chuyện của người khác vậy. Không đố kỵ, ngài không hề nói xấu ai, kể cả những kẻ ít thiện cảm với mình. Theo lời Thánh Phaolô, ngài có lòng trọng khách, nhất là khách xa, ân cần tiếp đãi, đưa đi thăm các sở, các trường, khiến các cha Nhà chung phải bỡ ngỡ.

Mặc dù rất được tôn trọng, đời ngài cũng chẳng thiếu điều lăng nhục. Đó là số phận chung của các môn đệ Chúa Kitô. Sau tuần trăng mật là những chuỗi ngày phiền lụy. Từ phía giáo dân có lời than phiền rằng Đức Cha bãi bỏ những tập quán lâu đời của họ. Từ phía giáo sĩ, có những thư nặc danh gửi tới ngài, những đơn kiện gửi tới Tòa Khâm sứ, vì sự bất đắc ý gây nên bởi việc thuyên chuyển nhiệm sở, hoặc bị thi hành kỉ luật, cũng có khi vì bất đồng quan điểm trong các việc ngài làm. Lẽ tất nhiên là con tim ngài sẽ lại. Nhưng nhờ sức mạnh của gương Thầy Chí Thánh, ngài đã “chịu mọi sự sỉ nhục bằng lòng”. Cắn răng chịu đựng, ngài cứ tiếp tục sứ mạng canh tân của ngài.

Chính vì khiêm nhượng mà Đức Cha trở nên chẳng những hiền từ lại còn thanh bần, nhẫn nhục nữa.

2.8. Kính mến Thánh Tâm trong Thánh Thể

Thánh Phaolô viết: “Nay còn Tin, Cậy, Mến: ấy là bộ ba. Nhưng trong bộ ba này, Mến lớn hơn cả” (2Cr 13, 13). Ba đức đối thần là căn nguyên cuộc đời Đức Cha Hồ, với những hoạt động và nhân đức mà chúng ta vừa thấy ở trên.

Ngài có một đức tin mạnh mẽ, tinh ròng như đức tin tông truyền của Giáo hội. Không ưa những tư tưởng cầu kỳ, những kiểu nói mới lạ, ngài trình bày đức tin một cách rành mạch, vừa tâm trí người nghe. Đức tin của ngài là thứ đức tin sống động, là kim chỉ nam hướng dẫn cả cuộc đời.

Ngài có lòng trông cậy thật vững vàng vào sự phù trợ của Thiên Chúa. Trước những gian nan thử thách, khi mọi người xung quanh tỏ bộ lo âu, ngài bình tĩnh cầu nguyện và nói: “Đã có Chúa lo, Deus providebit”. Khi mới chia Giáo phận, đã có lời đồn Bùi Chu sẽ khánh kiệt. Các chủng sinh lo lắng hỏi, thì ngài nói: “Chúng con đừng lo, chỉ với cái ngòi bút, Chúa đã giúp cha nuôi Dòng Thánh Tâm mười năm đó”.

Gặp một cha có vẻ mỏi mệt, ngài hỏi thăm thì cha đó thưa: – Còn lo nghĩ quá không ngủ được.

Tôi thì tôi để các lo nghĩ một bên mà ngủ cho ngon đã. Sáng ngày sau sẽ hay!

Nhưng cao trọng nhất trong linh hồn ngài là Đức Mến. Trong một bài giảng, ngài nói với các cha: “Thầy cả phải mến Đức Chúa Trời hết lòng hết sức, lại trong lời nói việc làm phải thi hành đức ấy ra. Có nhiều lẽ buộc thầy cả phải giàu đức kính mến: vì thầy cả biết Đức Chúa Trời rõ hơn, mang ơn Đức Chúa Trời nhiều hơn, được Đức Chúa Trời thương hơn. Đấng yêu chúng tôi như vậy mà không đáp lại sao?

Ta phải làm gì để tỏ lòng mến Chúa? Phải tuân giữ các giới răn. Phải làm những gì vinh danh Chúa. Phải lấy cả trí khôn, cả miệng lưỡi, cả cách ăn nết ở mà chứng tỏ đức kính mến” (Sacerdos alter Christus, 1941).

Ngài tha thiết kính mến Đức Chúa Trời trong và qua Thánh Tâm Chúa Giêsu, là nguồn mạch đức mến đối với Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần. Nhưng Thánh Tâm được cụ thể tôn sùng trong Bí tích nhiệm mầu Thánh Thể, là của lễ thánh dâng hiến Chúa Cha, đồng thời là thần lương dưỡng nuôi linh hồn nhân loại.

Cứ xét việc ngài làm thì đủ rõ. Huy hiệu của ngài, chính giữa là Thánh Tâm dãi sáng ra hai phía, một bên là sông Hương núi Ngự, một bên là phong cảnh Bùi Chu. Tu hội ngài thừa lệnh Bề trên mà xây dựng là Dòng Thánh Tâm. Ai qua thăm tu viện Trường An còn thấy tượng Thánh Tâm ngự giữa hoa viên đang dang tay đón đợi. Đại chủng viện Quần phương nhận thánh Tôma Aquinô làm bổn mạng, nhưng khi xây cất nguyện đường mới, ngài đặt tượng và cung hiến Thánh Tâm.

Hội Tông đồ cầu nguyện, mà tôn chỉ là tôn sùng Thánh Tâm, được ngài hết lòng cổ võ. Hằng ngày đoàn viên đi dự thánh lễ, hằng tuần ngày thứ năm làm Giờ thánh kính Thánh Thể và Thánh Tâm do đoàn Nghĩa binh phụ trách theo bản kinh đối đáp do chính ngài biên soạn. Tháng sáu, ngài truyền làm việc kính Thánh Tâm theo sách của ngài. Hằng năm, lễ Thánh Thể và Thánh Tâm được tổ chức long trọng với những cuộc kiệu Mình Thánh Chúa sốt sắng nghiêm trang.

Vì lòng tôn sùng Bí tích Tình yêu, ngài cho sửa chữa các cung thánh, chấn hưng nghi lễ, cổ võ thánh ca, làm cho việc thờ phượng thêm uy nghi linh hoạt.

Sau Chúa Giêsu là lòng sùng kính Đức Mẹ. Trong một bài giảng, ngài nói: “Đức Bà là mẹ ta. Người mến ta cách tốt lành lạ lùng, muôn vạn lần hơn mẹ đẻ thương ta. Ta hãy nhận lấy Người và trông cậy Người thì Người sẽ thương giúp ta, cho được ăn ở xứng kẻ làm con Đức Mẹ” (Sacerdos alter Christus 1941).

Trong huy hiệu của ngài, phía dưới Thánh Tâm là tràng hạt Mân côi vấn quanh cuốn sách. Đó là biểu hiệu lòng ngài thiết ái Đức Mẹ đồng trinh. Dòng nữ ngài lập, vì thế, mang tước hiệu Mân Côi. Trước kia ở Bùi Chu, tháng 5 vốn là tháng dâng hoa, nay ngài đọc thêm cuốn “Tháng Đức Bà” do ngài sao lục cuốn sách chữ nôm vốn dùng tại Huế. Trong đời ngài, nhờ ảnh hưởng Dòng Chúa Cứu Thế, sự tôn sùng Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp lan tràn khắp Giáo khu. Đồng thời, các núi Lộ Đức mọc lên nhiều nơi, để mỗi chiều thứ bảy giáo hữu họp nhau hát mừng Đức Mẹ. Theo gương Thánh Anphongso, ngài luôn kết thúc tuần tĩnh tâm bằng bài giảng về Đức Mẹ, hầu xin ơn bền chí đến cùng.

Đối với các thánh, ngài tôn kính Thánh Đôminicô là bổn mạng ngài, và bổn mạng Tạp chí “Đa Minh Bán Nguyệt”. Thánh Phanxicô Xavie mà ngài đặt làm bổn mạng Chủng viện Ninh Cường và Thánh Têrêxa Hài đồng mà ngài tôn làm bổn mạng nhì Dòng Mân côi. Phải nghe ngài giảng về các Thánh Tử đạo Việt Nam, mới hiểu ngài ngưỡng mộ cha ông trong đức tin ngần nào. (Bài giảng quanh năm, trang 398). Đền kính các Đấng đồng thời cũng là Nhà thờ chính xứ Quần phương, được hoàn thành đẹp đẽ là nhờ sự đôn đốc của ngài.

Với Thánh cả Giuse, ngài truyền làm việc kính Người trong tháng 3 với cuốn sách chính ngài biên soạn. Ngài hay nhắc tới Người khi giảng về Đức khiết trinh. Ngài nói: “Hãy giữ đức sạch sẽ cho tuyền vẹn. Hãy xin Chúa cùng Đức Mẹ và ông Thánh Giuse giữ đức ấy cho” (Sacerdos alter Christus 1941).

Xin trưng dẫn phần kết bài giảng của ngài trong ngày lễ Thánh cả Giuse: “Vậy ta hãy chạy đến cùng Thánh Giuse, mà phó mình trong tay Người gìn giữ xem sóc cho. Nếu ta giữ lòng trung thành với Người, kính mến cậy trông cùng làm tôi Người như tôi ngay con thảo, ắt Người sẽ gìn giữ xem sóc ta, như xưa đã gìn giữ xem sóc Chúa Hài đồng. Như thế, dù ma quỷ muốn tìm hại ta, như Hêrôđê xưa muốn tìm hại Chúa Giêsu Hài Đồng, thì Thánh Giuse sẽ che chở ta khỏi mọi điều nguy hiểm. Khi sống được noi gương Người mà sống thánh, khi chết nhờ ơn Người phù hộ mà chết lành như Người, hầu được về trời hưởng phúc làm một cùng ba đấng Giêsu – Maria – Giuse. Amen” (Bài giảng các ngày Chúa Nhật, Lễ trọng Quanh năm, trang 378).

III. NHỮNG NHẬN ĐỊNH VỀ ĐỨC CHA

1. Nhân đức[9]

Người xưa có nói: “Cái quan luận định” nghĩa là khi đậy nắp quan tài rồi, thì lời bàn hay dở mới chắc.”

Cha chính Phạm Văn Lục, sống bên cạnh Đức Cha Hồ mười năm trong chức vụ quản lý đã ghi lại: “Ngài khôn ngoan, kiên nhẫn, thâm trầm, đạo hạnh, xả kỷ, vị tha, thông lọt các luật đời luật đạo, lại lý sự can trường, nhất là lúc ban đầu mới chia Địa phận, gặp lắm chuyện khó khăn[10].

Một cha khác nói: “Đức Cha Hồ làm ít mà được nhiều, vì ngài cầu nguyện nhiều”. Chắc cha đó có ý nói đến tinh thần cầu nguyện thâm trầm của Đức Cha, chứ không làm việc ít đâu. Cha chính Phạm Văn Lục còn ghi: “Về các việc tinh thần, ngài làm việc mỗi ngày mỗi giờ gấp mười các đấng khác[11].

Một linh mục đã từng du học Âu châu nhận xét rằng: “Ngay tại các nước Âu châu cũng khó gặp được một Giám mục như ngài. Giá có phải ở các nước đó thì người ta đã lập tòa điều tra xin phong thánh cho ngày rồi. Có hai vị mà hình ảnh luôn làm tôi phấn khởi. Đó là Đức Gioan XXIII và Đức Cha Hồ. Trong phòng tôi chỉ treo hình có hai vị đó”.

Cha già Đôminicô nói: “Đức Cha Hồ vất vả hơn các đấng khác, vì gặp thời kinh tế khủng hoảng, nạn đói hoành hành, chiến tranh liên tục, lại phải sửa chữa bao nhiêu khuyết điểm lâu đời tồn tại, và canh tân Giáo khu về mọi phương diện”.

Trong cuốn “Thời kỳ các Giám mục coi sóc xứ ta” của Giáo phận Huế, chúng tôi xin lượm lặt mấy ý kiến sau đây: “Hồi niên thiếu, ngài học ở trường đã vượt lớp, bỏ bẵng một đôi năm rồi. Thiên tư vẫn linh hoạt sáng suốt, nhưng không sâu sắc cao kỳ. Về giảng thuyết, là việc ngài hay làm lắm, thì cung giọng không hùng hồn, có hơi yểu điệu, văn từ thì hơi xưa xưa, ý kiến bình thường ai ai cũng hiểu được…Năm kia, người rằng cấm phòng cho các linh mục bổn quốc Địa phận, ngài sưu tầm các bài giảng, bải xét mình, làm thành sách rồi cho ấn hành, bây giờ còn có người dùng đến. Bài tạ, bài chúc, người cũng năng làm, nhiều bài còn lưu lại. Người đã giúp ích cho đời, cho đạo Địa phận Huế không phải là ít, nên Địa phận cũng không quên ơn người”.

Một đạo mục cao niên cố công viết tiểu sử Đức Cha đã kết thúc bằng mấy lời cảm mến truy niệm sau đây: “Trộm nghĩ từ xưa tới nay, hiếm thấy một vị Giám mục khôn ngoan, thông thái, đạo đức, thánh thiện, hy sinh nghèo khó, mến Chúa yêu người như Đức cố Hồ, mặc dầu cũng có đôi điều thiếu sót. Đó là sự thật, không phải bố hát con khen hay[12].

Nhiều giáo hữu đến hầu ngài, lúc về kể lại: “Không biết Đức Cha thông thái thế nào, nhưng ngài tiếp đón, chuyện vãn với chúng tôi thật nhân từ và dễ hiểu”.

Linh mục Phan Phát Huồn, Dòng Chúa Cứu Thế, trong sách “Việt Nam Giáo Sử”, sánh Đức Cha Hồ với Thánh Anphongsô:“Cả hai đều là Giám mục, đều là đấng lập dòng, đều viết nhiều sách tu đức, đều có nhiều nhân đức giống nhau, nhất là lòng sùng kính Phép nhiệm mầu Thánh Thể và Đức Mẹ đồng trinh. Có thể gọi Đức Cha Hồ là Anphongsô Việt Nam, mặc dầu ngài chưa được phong thánh.”

2. Hiện tượng một nhà văn hóa lớn của Việt Nam[13]

1) Tại sao nói Đức Giám Mục Hồ Ngọc Cẩn là một Nhà Văn Hóa Lớn của Việt Nam thế hệ 1930?

Trước hết, phải phân biệt Nhà Trí Thức Thuần Túy với Nhà Trí Thức Làm Văn Hóa, cũng gọi là Nhà Văn Hóa. Nhà Trí Thuần Túy là người có vốn học vấn Khoa Bảng ở cấp độ nào đó bẳng sở học nhà trường hay công phu tự học ban cho họ. Còn Nhà Trí Thức Làm Văn Hóa là người dấn than biên soạn, sáng tạo, thuyết trình, kiến tạo trong các bộ môn của Văn Hóa, điển hình là các ngành khoa học, tự nhiên, nhân văn, xã hội, đặc biệt là triết học, thần học và các bộ môn nghệ thuật. Thường Nhà Trí Thức Văn Hóa nào cũng tạo cho mình một Kim Tự Tháp Văn Hóa có tính bất hủ…

Nếu xét về mặt căn tính Nhà Trí Thức, thì Đức Cha Hồ Ngọc Cẩn được đào tạo vốn kiến thức, vốn cổ ngữ, sinh ngữ vững chắc ở cấp độ trên khả năng Thạc sĩ. Nói trên Thạc sĩ là nói khiêm tốn, bởi vì không biết làm sao đo được vốn tự học suốt đời của ngài. Còn xét về mặt làm công tác văn hóa, thì sự nghiệp của ngài quả thực là đồ sộ.

Mấy chục năm Đức Cha là một Nhà Giáo Dục với đức độ cao, đã đào tạo nhiều thế hệ Tu sĩ, Linh mục nổi danh.

Đức Cha vốn là một Nhà Hùng Biện, tuy không tài hoa như Đức Cha Nguyễn Bá Tòng, nhưng xuất chúng về mặt sâu sắc lý luận và có những tư tưởng thâm trầm. (Xin xem thêm cuốn “Tòa Giảng Thế Kỷ XXI”).

Nhưng đặc biệt nơi Đức Cha Hồ Ngọc Cẩn ở chỗ ngài là một Nhà Biên Khảo với bộ óc bác học uyên thâm tây đông kim cổ. Ngài viết trên 100 tác phẩm cỡ lớn, nhỏ mà ngày nay còn lưu giữ được trên 50 đầu sách đa loại, đa ngành, đặc biệt là về Thần học Tu đức, Luân lý học, Nho học và Khoa học. Theo lời Đức Cha nói: “Cầm gậy vàng, bỏ bút sắt. Gậy vàng cầm có lúc, bút sắt Giám mục lại phải năng cầm. Viết báo cũng là việc giảng Phúc Âm, thế thì cũng có phen còn cầm bút”. Người ta có thể chia làm ba thời kỳ viết báo, viết sách của Đức Cha:

  1. Thời kỳ Linh mục Giáo sư
  2. Thời kỳ Linh mục Bề trên
  3. Thời kỳ Giám Mục – Giảng giải – Nhà Văn – Nhà Báo

2) Nhìn riêng sự nghiệp Cầm Bút và Hùng Biện của Đức Cha, người ta thấy ngài nên gương sáng ngời trong công tác “Nhập Lưu Phúc Âm vào văn hóa Phật – Khổng – Lão – Trang và Văn hóa bản địa của Việt Nam.” Một trong những mục tiêu của Thượng Hội Đồng Giám Mục Á Châu 1998 là “Nhập Lưu Văn Hóa”, thì Đức Cha Hồ đã thừa kế đội ngũ các Nhà Văn Hóa Công Giáo tiền bối từ cuối thế kỉ XVI một cách xuất sắc để thực thi mục tiêu ấy. Đây cũng là điểm son danh dự cho hàng Giáo Phẩm Việt Nam làm Văn Hóa Kitô Giáo.

3) Đức Cha Hồ Ngọc Cẩn còn là một Nhà Việt Nam Học, qua các tác phẩm ngài biên soạn công phu về Ngữ Pháp Tiếng Việt (Sách mẹo tiếng Annam), về các dạy La ngữ, Pháp ngữ và chữ Hán cho người Việt. Đức Cha nghiên cứu sâu về “Văn chương Thi phú và Thi pháp”.

4) Ngài có máu thi nhân cho nên hay dùng văn vần để viết những ca vãn về gương truyện tu đức.

5) Người ta cũng biết ngài là một kịch tác gia với nhiều vở tuồng đạo mà điển hình là “Tuồng Thương Khó”, “Tuồng Bảy Mối”.

6) Khi nói đến căn tính của một Nhà Văn Hóa lớn trong một dân tộc, một quốc gia, người ta chú trọng vài trò Giáo dục và Đào tạo của nhân vật ấy. Cho đến cuối thế kỷ XX, mà người ta còn gặp được một số linh mục học trò của Đức Cha Hồ và ý thức câu ngạn ngữ “Thầy nào trò nấy”, nhất là về các phương tiện tâm đức già giặn và tầm cỡ hoạt động văn hóa. Tôi cũng không quên lưu ý đến Truyền Thống Tu Đức mà Đức Cha Hồ đã xây dựng nơi các Dòng Nữ mà ngài sáng lập hoặc bảo trợ và đào luyện.

7) Qua một số chứng minh vắn tắt trên, người ta thấy Đức Cha Hồ Ngọc Cẩn đích thực là một Nhà Văn hóa Lớn. Đất nước Việt Nam và Giáo Hội Việt Nam có quyền hãnh diện về nhân vật bất hủ ấy….

3. Nhà Tu đức – Danh Nhân Văn Hóa[14]

“…Ở đây xin kể đến các đầu sách, hàng trăm tác phẩm được biên soạn công phu – như những cương lĩnh chủ đạo, những bản thủ hướng dẫn nhằm phục vụ cho những hoạt động thực tế. Có đọc những tác phẩm ấy, chúng ta mới cảm nhận được hai tính cách – tu đức và văn hóa – luôn hòa quyện, đan xen vào nhau. Lấy tu đức để thánh hóa chữ nghĩa văn chương và dùng văn chương nghệ thuật để rao giảng Tin Mừng, để chuyên chở đạo đức. Văn dĩ tải đạo và tu văn luyện đức”.

3.1. Sách Tu đức

– Thánh Giáo thuyết minh (1938)

– Đấng làm thầy giảng dạy

– Tu sĩ hộ thân lưu hạ kỳ

– Tu thân minh cảnh (1931)

– Tu thân hướng đạo

– Tu sĩ thần lương

– Đường trọn lành

– Cách thức nguyện gẫm

– Bài giảng các ngày Chúa Nhật, lễ trọng quanh năm

– Thư luân lưu Mùa Chay cả (1938)

– Lề luật riêng tràng Kẻ Giảng

– Con muốn ở nhà Đức Chúa Trời

– Giáo lý khai vấn

– Bổn Đồng Ấu

– Nghĩa Binh tác thành

– Lễ phép làm khi tôn kính Rất Thánh Lái Tim Đức Chúa Giêsu

– Điều lệ Hội cầu nguyện Truyền giáo và đoàn Nghĩa Binh Thánh Thể

– Cáo giải linh đơn, phép Giải tội (1939)

– Sách tháng Trái Tim

– Sách tháng Đức Bà

– Sách tháng Thánh Giuse

– Nửa giờ chầu Chúa

Với Dòng Mân côi:

– Sách gối đầu giường của các bề trên

– Lề luật và lễ phép chị em con cái Đức Mẹ Mân Côi

– Gương mẫu cho chị tập

– Vào nhà tập làm gì?

– Mãn nhà tập

– Bạn thân của nhà dòng

– Viện tu trinh nữ (1921)

– Lễ nhạc mặc áo dòng và khấn dòng Con Đức Mẹ Mân Côi

3.2. Sách Giáo dục – Văn hóa

– Mẹo tiếng Latinh (Grammaire Latinh, 472 trang)

– Mẹo tiếng Phalangsa (Grammaire Francaise, 192 trang, HK 1914)

– Toán pháp sơ học (HK 1916)

– Trưởng học toán pháp (HK 1919)

– Sách cha mẹ dạy con (HK 1917)

– Pháp tự khúc ca (Nxb Quy Nhơn 1923)

– Hán tự quy giản (HK 1923)

– Ngạn ngữ Kinh thư (HK 1915)

– Giáo hội chức sở tu thân (Quy Nhơn 1924)

– Hán tự liệt ca

– Văn khế đơn từ

– Bài luận quốc ngữ

– Hán Việt thường đàm (Nxb Trường An, Huế 1924)

– Thường đàm nhựt dụng (HK 1927)

– Truy tầm chân đạo (Bùi Chu 1936)

– Văn chương thi phú Annam (HK 1919, 1922, 1933)

– Thận chung truy viễn (Bùi Chu 1937)

– Thư chung về thủy hỏa đạo tặc

– Thư luân lưu

– Nhật ký (700 trang viết tay).

– Sách Mẹo tiếng Annam

– Triết nhân tri kỷ

 

Ngoài ra ngài còn tham gia viết bài trên các báo: “Nam kỳ địa phận, Vì Chúa, Sacerdos Indonensis, Đông Dương tạp chí, Nam phương tạp chí, chủ biên tạp chí Đa Minh Bán Nguyệt San, Thời Mới…

DI NGÔN

1. Khẩu hiệu: “IN OMNI PATIENTIAET DOCTRINA” (Hết lòng nhẫn nhục và tận tâm giáo huấn).

2. Sáu câu “Hãy nhớ[15]

– Hỡi Linh mục, Thầy hãy nhớ mình là người, nên Thầy cũng là tro bụi, có ngày sẽ trở về bụi tro.

– Hỡi linh mục, Thầy hãy nhớ mình đã là linh mục thì hãy sống xứng đáng bậc linh mục.

– Hỡi linh mục, Thầy là Chúa Kitô khác, nên hãy đề phòng kẻo trở thành Phản Kitô.

– Hỡi linh mục, Thầy hãy nhớ mình là sự sáng thế gian, hãy lo cho ánh sáng của Thầy được sáng soi mọi người.

– Hỡi linh mục, Thầy hãy nhớ mình là muối đất, hãy đề phòng kẻo gương xấu Thầy làm hư hỏng ai chăng.

– Hỡi linh mục, Thầy hãy nhớ mình là linh mục đời đời, hãy đề phòng kẻo trở thành linh mục đời đời luận phạt.

Sau khi diễn tả sáu câu “Hãy nhớ”, Đức Cha mượn lời Thánh Phaolô nói với Timôthê xưa mà dặn dò các linh mục: “Xin các cha hãy nhớ sáu câu trên đây, và hãy sớm thực hiện để mọi người đều biết các cha đang tấn tới.” (x. 1Tm 4, 15).

3. “Chớ nói những lời ngang tàn thô bỉ, chớ lợi dụng tòa giảng mà hả hơi cho đỡ giận[16].

[1] Lm. Phạm Văn Lục, Hồi Ký, tr. 33.

[2] Sicut erat…là phần sau của kinh Sáng danh.

[3] Lm. Phạm Văn Lục, Hồi ký, tr.33.

[4] Lm. Phạm Văn Lục, Hồi ký, tr. 39.

[5] Biết người mà dùng đúng chỗ.

[6] Người hiền xem mặt.

[7] Mạnh mà êm.

[8] Tựa cuốn Bài giảng quanh năm.

[9] Lm. Phạm Châu Diên, Đức Cha Hồ Ngọc Cẩn, Giám Mục Bùi Chu, tr. 77.

[10] Lm. Phạm Văn Lục, Hồi ký, tr. 39.

[11] Lm. Phạm Văn Lục, Hồi ký, tr. 39.

[12] Ngô Hữu Phán, Lược biên tiểu sử Đức Cha Hồ.

[13] Hoàng Xuân Việt, Hiệu trưởng Trường Hán Nôm Nguyễn Trãi, Tp HCM, “Tưởng niệm và tri ân Đức Cha Đôminicô Maria Hồ Ngọc Cẩn”, Dòng Mân Côi, tr. 95.

[14] Lê Đình Bảng, “Tưởng niệm và tri ân Đức Cha Đôminicô Maria Hồ Ngọc Cẩn”, Dòng Mân Côi, tr. 99.

[15] Trích trong cuốn “Tưởng niệm và tri ân Đức Cha Đôminicô Maria Hồ Ngọc Cẩn”, Dòng Mân Côi, tr.55.

[16] Tựa cuốn Bài giảng quanh năm.