Đức Cha Allys là một nhà truyền giáo nhiệt thành, vui tươi, miệt mài đến với lương dân. Ngài là người của mọi người, cửa nhà ngài luôn rộng mở đón tiếp. Ngài có nhiều đức tính tuyệt vời. Đây là những nét tinh thần nổi bật nơi Đức Cha.
1. Bình diện nhân bản
1.1 Vui vẻ lạc quan
Khi Đức Cha Allys còn là linh mục trẻ tuổi mới đến Việt Nam, Đức Cha Sohier đã nhận thấy nhiều đức tính cao đẹp nơi ngài nên có linh tính đặc biệt khi nói: “Người bạn mới này sẽ là bề trên giáo phận”. Ngài thông minh bén nhạy, mặc dù không phải là nhà thông thái. Ngài có một con tim tế nhị, biết rung cảm với người khác, vì thế ngài giao thiệp tiếp xúc dễ dàng với mọi hạng người. Người ta nói: “Ngài là vị Giám Mục mỉm cười”. Ngài không để cho mình bị đè nặng bởi âu lo thái quá. Đức Cha Chabanon cộng tác viên và là Giám mục Phụ tá nói rằng: “Khi Đức Cha Lý có điều gì ưu tư nặng lòng thì ngài hát lên”.
Trong ngày Quốc Khánh, 14 tháng 7 năm 1921, nhân dịp trao tặng huy chương cho ngài, Toàn quyền Pasquier đã phác họa bức chân dung của vị Giám mục trong một bài diễn văn như sau: “Khi chính quyền gắn huy chương đỏ trên áo tím Giám mục của ngài là có ý biểu dương những đức tính hùng dũng và chắc chắn nơi ngài. Ngài mang những đức tính ấy với một lòng quả cảm không bao giờ tắt nụ cười trên môi với lòng nhiệt thành đến độ hăng say, với một sự lạc quan thổi vào những ngọn lửa đang chập chờn”.
1.2. Đơn sơ giản dị
Đời sống đơn sơ giản dị của Đức Cha Allys được biểu lộ qua nhà, cách ăn uống, cách tiếp xúc. Mọi thứ đều rất đơn giản. Ngài yêu cầu tổ chức đám tang cho ngài đơn sơ, không vòng hoa, không điếu văn, không dàn chào. Trong lá thư của Cố Thuận (Denis) viết về cho mẹ ngài năm 1913, ngài kể như sau:“Tuần này Đức Cha đến thăm chủng viện, ngài là một đấng rất thánh. Đau đớn cả đời mà hằng làm việc luôn. Thế mà lại không khó nuôi gì cả, chỉ một chén cơm với một miếng cá luộc là xong bữa. Mỗi ngày con chỉ tốn cho ngài 5 xu, mà con lại lợi nhiều…”
Ngày 15 tháng 1 năm 1922, Cố Thuận lại viết tiếp: “Hôm qua Đức Cha Lý đến thăm Dòng Phước Sơn. Thật là một ngày đại lễ cho chúng con. Ngài tỏ bộ vui vẻ lắm… Ngài đã chịu và đang chịu nhiều gian nan vì con chiên. Ngài không ăn chi hết mà sống! Không bánh, không cơm, không rượu, không thịt, không chi hết, hầu như ngài chỉ ăn cái không không! Thật lạ! Mỗi bữa thì dùng ít cá luộc và vài củ khoai cũng luộc thôi! Dầu có đón rước ngài, thật dễ, không cần ai cầm áo đuôi vì ngài không có, không xe hơi, không tài xế, không đầy tớ, đầu bếp cũng không. Bất kỳ ai làm bếp cho ngài cũng được, chỉ lấy khúc cá và củ khoai bỏ vào nấu nước sôi lên, thế là xong bữa tiệc của ngài rồi! Ăn uống như vậy, đau khổ như kia mà diện mạo vẫn tươi như hoa nở. Ai có việc chạy đến với ngài thì ngài hết sức lo lắng như không có việc chi khác. Ngài sẵn sàng giúp đỡ mọi người, dầu việc xem ra quá sức. Ngài sang Việt Nam năm 1875 mà chưa về Tây lần nào. Nguyện xin Chúa cho ngài trường thọ lâu năm nữa”.
1.3. Thích đối thoại, ôn hòa với mọi người
Trái tim ngài ôm ấp mọi người, không trừ một ai, trong bữa ăn không ai mà không được ngài lưu tâm hỏi han như câu châm ngôn Giám Mục của ngài: “TÔI YÊU MẾN MỌI NGƯỜI”. Ngài tận tụy giúp đỡ những người công giáo cũng như người lương dân, nên ngài được huy chương của Giáo Hội cũng như của hai chính quyền Việt – Pháp. Cửa nhà ngài luôn rộng mở đón mọi hạng người, thường dân cũng như quan lại.
1.4. Can đảm, kiên quyết
Khi Cha Allys là Cha xứ Dương Sơn năm 1883, Đức Cha Caspar biết được tin Văn Thân sẽ giết hại người công giáo trong giáo phận, liền báo tin cho Cha Allys bảo ngài vào Kim Long để được an toàn hơn, nhưng ngài tự nguyện ở lại với đoàn chiên của mình.
Đầu năm 1924, khi các linh mục cấm phòng chung tại Đại Chủng Viện Phú Xuân Huế, Đức Cha Allys tỏ cho các Cha hay ý ngài muốn lập một hội dòng thầy giảng, tương tự như Dòng của Cha Jean de la Monnais đã lập ở Pháp. Bấy giờ có nhiều người không tán thành, thậm chí chống đối ra mặt. Song Đức Cha vẫn một lòng cương quyết vững dạ sắt son, đã định làm sao quyết làm nên như vậy.
2. Bình diện tu đức
2.1. Đức Cha Allys, con người nội tâm
Ngài yêu mến và trung thành với đời sống cầu nguyện. Tiểu sử ngài ghi lại: “Sau giờ kinh chung với giáo dân ban tối, ngài ở lại chầu Thánh Thể rất lâu. Thời gian hưu trí mù lòa, ngài thường ở trong nhà thờ suốt buổi chiều đề cầu nguyện và chầu Thánh Thể. Ngài yêu mến và tin tưởng vào hoạt động của Chúa Thánh Thần. Ngài cũng sùng kính Đức Mẹ, thường xuyên thấy Ngài với tràng chuỗi trên tay“.
2.2. Khiêm tốn và bác ái
Lúc lãnh bí tích cuối cùng, ngài đã xin lỗi các linh mục có mặt cũng như vắng mặt. Ngài thì thào câu: “Cha mến thương tất cả chúng con biết bao!” Đó là tất cả tấm lòng của ngài, tấm lòng của một mục tử chỉ biết sống cho đoàn chiên. Ngài lưu tâm đến nhu cầu tinh thần và vật chất của Dân Chúa, đặc biệt là các linh mục, những người cộng tác chăn dắt đoàn chiên và truyền giáo cho lương dân.
2.3. Lòng yêu Bí tích Thánh Thể và các linh hồn
Trong thời gian làm Cha xứ, sau giờ đọc kinh chung với giáo dân ban tối, ngài thường ở lại chầu Thánh Thể rất lâu. Lúc bị mù loà hưu trí, ngài thường ở trong nhà thờ suốt buổi chiều để cầu nguyện và chầu Thánh Thể. Tuy vậy trước khi qua đời, ngài nói: “Ngày nào ra trước toà phán xét, tôi chỉ sợ hai điều: một là khi còn sống đã không yêu phép Thánh Thể cho đủ, hai là không hết tình cứu giúp các linh hồn nơi luyện ngục”.
2.4. Tin tưởng vào hoạt động của Chúa Thánh Linh
Các chủng sinh thỉnh thoảng đến thăm ngài, ngài thường nhắc nhủ: “Khi chúng con làm linh mục, chúng con phải làm cho bổn đạo biết và yêu mến Chúa Thánh Thần, vì phải có ơn Chúa Thánh Thần mới giữ đạo được”.
2.5. Lòng yêu mến Đức Mẹ
Từ hồi niên thiếu, Đức Cha đã tỏ lòng yêu mến Đức Mẹ cách đặc biệt, ngài năng đến cầu nguyện với Đức Mẹ tại nhà thờ xứ và hang đá Đức Mẹ, ngài rất siêng năng lần hạt nhất là lúc về già, những khi rảnh rỗi, tay ngài luôn cầm tràng hạt. Do lòng kính mến ấy đối với Đức Trinh Nữ Maria Vô Nhiễm, Đức Cha đã chọn ngày lễ Sinh Nhật Đức Mẹ để khai sinh Hội Dòng mới và đặt tên là Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm.
Khi nhận được 2 huy chương do hai nước Pháp và Việt Nam trao tặng để ân thưởng, ngài đã có ý tưởng rất đẹp, vừa ngộ nghĩnh vừa biểu lộ tình yêu của ngài đối với Đức Mẹ ở Paimpont, giáo xứ thân yêu của ngài. Đức Cha đã gửi 2 huy chương về Paimpont nhờ cháu xin Cha xứ đeo vào cổ tượng Đức Mẹ và tượng Chúa Giêsu đặt trong nhà thờ xứ.
Với tư cách vị chủ chăn của giáo phận, ngài sốt sắng tổ chức Đại Hội Lavang và cho xây cất lại ngôi thánh đường La Vang rộng lớn hơn.
2.6. Can đảm chấp nhận Thánh giá
Sự nghiệp thừa sai của ngài nói lên lòng can đảm chấp nhận mọi thánh giá, thử thách của người tông đồ. Nụ cười trên môi chứng minh lòng phó thác của ngài giữa mọi gian truân thử thách khó khăn, vì ý thức rằng hạt lúa mì phải thối đi để sinh bông hạt, và không tình yêu nào lớn lao hơn tình yêu của người liều mạng sống vì kẻ mình yêu.
Thánh giá cuối đời của ngài là mù hai mắt. Đối với ngài, một con người hăng say hoạt động thì đó là một thử thách lớn. Ngài nói: “Chúa nhân lành không thể nào gởi cho tôi một thánh giá nào lớn hơn nữa, xét theo tính khí của tôi”. Ngài đã can đảm chấp nhận vui tươi, nhẹ nhàng trong suốt 6 năm. Ngài tận tụy trong nhiệm vụ đến tiêu hao sức lực thể xác, nhưng những ngày hưu trí vẫn là chuỗi ngày hy sinh cầu nguyện cho công cuộc truyền giáo của giáo phận. Ngài thường nói: “Điều quan trọng là cầu nguyện và chịu đau khổ”.
3. Bình diện tông đồ
3.1. Ưu tiên cho tân tòng
Trái tim ngài ôm ấp mọi người, cửa nhà ngài rộng mở tiếp đón dân thường cũng như quan lại. Ngài tận tụy giúp đỡ những người Công giáo cũng như lương dân. Người lương tặng cho ngài biệt danh dễ thương: “Ông tiên bên đạo“, hay “Giám mục mỉm cười“.
Đức Cha Allys quả là một vị tông đồ nhiệt thành. Ngài tận tụy suốt đời, từ khi là Linh mục và trong suốt thời gian làm Giám mục. Ngài luôn quan tâm đến việc làm cho người lương trở lại, tìm những trẻ em bị bỏ rơi, hoặc sắp chết để rửa tội. Ngài khuyến khích các linh mục đi đến với lương dân. Ngài cung cấp tiền bạc, phương tiện dồi dào cho việc giảng dạy tân tòng, dự tòng, thành lập các giáo xứ mới, xây cất các nhà nguyện và nhà thờ…
Ngài không tiếc tiền bạc trong việc truyền giáo. Dĩ nhiên đã có người lạm dụng lòng tốt của ngài. Người ta thường trách ngài để người khác lợi dụng, nhưng ngài trả lời: “Nếu phải tốn 1000 đồng để cho vài ba trẻ em được chắc chắn lên Thiên Đàng thì không đáng làm như vậy sao?”. Các linh mục chăm sóc tân tòng thường được ngài hỗ trợ nhiều về tài chính vì ngài biết họ phải chi phí nhiều.
3.2. Tông đồ bằng tình yêu
Tính tình vui vẻ cởi mở của ngài rất thích hợp cho việc truyền giáo. Ngài tiếp xúc với mọi hạng người một cách hồn nhiên và đầy lòng kính trọng yêu mến như câu châm ngôn của ngài: “CHA YÊU THƯƠNG MỌI NGƯỜI”. Tâm hồn mục tử của ngài được diễn tả trong huy hiệu Giám mục bằng hình ảnh Chúa Chiên Lành dẫn dắt đoàn chiên. Ngài yêu mến và muốn cho mọi người được cứu rỗi, được nhận biết Chúa. Đó là động lực đức ái phát xuất từ Thiên Chúa. Ngọn lửa yêu mến Chúa đã nung đốt tâm hồn ngài thúc đẩy ngài hành động, và dùng mọi phương tiện để rao giảng Tin Mừng. “Ngọn lửa nhiệt thành Nhà Chúa nung đốt tâm hồn tôi” (Tv 69, 10).
Dù triều đình Việt Nam cấm cách bắt bớ, ngài vẫn tìm cơ hội truyền giáo cho họ, nhờ thế một công chúa, cháu vua Minh Mạng đã trở lại đạo công giáo. Sau đó hai hoàng tử khác cũng trở lại và bị kết án tử hình. Đức Cha phải can thiệp để xin chước giảm. Các quan trong triều đình cũng tiếp tục chọn con đường theo Chúa.
3.3. Tông đồ bằng cầu nguyện, hy sinh
Đức Cha tin tưởng vào sức mạnh của lời cầu nguyện và sự hy sinh trong công cuộc truyền giáo, thỉnh thoảng ngài kêu gọi các nữ tu ăn Chay cầu nguyện đặc biệt để xin ơn trở lại cho người nọ người kia. Ngài còn bảo trợ việc thiết lập hai đan viện Carmel và Phước Sơn để làm hậu thuẫn cho công cuộc truyền giáo.
Thời gian hưu trí của ngài cũng là những chuỗi ngày hy sinh cầu nguyện cho việc mở mang nước Chúa.
3.4. Người mục tử nhiệt thành, khiêm tốn
Đức Cha Allys nhiệt tâm thao thức việc truyền giáo cho lương dân và tìm kiếm trẻ em bị bỏ rơi hay sắp chết. Ngài khuyến khích linh mục đến với lương dân. Sau thời bắt đạo cấm cách, các nhà thờ bị phá hủy, ngài thao thức xây nhà nguyện và đào tạo các thầy giảng.
Đức Cha đã để lại trong lòng mọi người hình ảnh một vị mục tử nhiệt thành, vui tươi, hăng say trong việc loan báo Tin mừng Tình yêu của Chúa Cứu Thế mà ngài đã hiến thân phụng sụ suốt đời như một tôi tớ trung thành.
3.5. Thao thức cho việc giáo dục
Đức Cha Allys luôn canh cánh bên lòng mối ưu tư về lớp trẻ cần được giáo dục về đức tin và văn hóa. Khi bão tố cấm cách đã tạm yên, Đức Cha thấy Giáo phận Huế có nhiều trường giáo xứ hơn nhưng thiếu các giáo viên được huấn luyện chu đáo. Nhiều trẻ em không được đến trường, một số khác được đến trường nhưng lại là trường do các thầy bên lương điều khiển, họ thường xuyên chống đối Giáo hội. Vì vậy, ngài thao thức mở trường tư thục, và thành lập hai Hội Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm và Dòng Thánh Tâm Huế.
3.6. Gương mặt cao quý và độc đáo
Đức Cha Allys vừa mới qua đời tại Huế thuộc dòng dõi những vị thừa sai conquérants (chinh phục). Đến Đông Dương vào thời những chiếu chỉ cấm đạo của vua Tự Đức, Đức Cha đã chứng kiến những biến cố đưa đến việc quân đội của đô đốc Courbet chiếm đóng Kinh Đô Annam.
Đức Giám mục Huế đã khởi đầu công cuộc tông đồ của mình từ những khó khăn vất vả ấy. Ngài đã rất gan dạ để vận động và suy nghĩ. Bản năng chiến đấu không nhường bước cho tuổi tác, Đức Cha đã tỏ ra rất nhiệt tình để bảo vệ và gia tăng lợi ích cho trách nhiệm của ngài.
Ông Henri Daguerches, một nhà văn giỏi về Á Châu đã kể cho chúng tôi nghe chuyện một cuộc tuyển cử không may cho ông ta vì không có Đức Cha Lý bên cạnh ông. Nhưng, chắc chắn trước nấm mộ của vị quy đạo già lão thành, ông Daguerches hào hiệp cũng chỉ nhớ lại sự thanh cao gương mẫu của một cuộc đời nhiệt thành đến anh hùng. Cách đây vài năm, đến Huế, tôi đến chào thăm Đức Cha Lý ở Toà Giám mục, một ngôi nhà nhỏ kiến trúc xưa cổ trang trí bằng những chùm lá cau, lá tre, và rất khiêm tốn so với cơ ngơi của Đức Khâm Sứ.
Vào một buổi sáng nặng nề của tháng 7, dù người mạnh khoẻ đến đâu cũng cảm thấy cái khắc nghiệt của mùa hè nhiệt đới. Đức Giám mục già của chúng ta vẫn như là không cảm thấy gì.
Mảnh khảnh, gầy gò, khuôn mặt hóp vào và như bị mất hút sau chòm râu bạc trắng, Đức Cha luôn luôn nhiệt tình, vui vẻ dù đôi mắt ngài đã mờ đi vì cái nắng chói Chang của xứ nhiệt đới và bệnh thấp khớp do khí hậu ẩm ướt tác động trên những người sống không kiêng dè và thiếu tiện nghi. Đã sống nhiều và thấy nhiều, ngài là người khéo nói chuyện. Tôi phải thú thực rằng các diễn văn của ngài không thiếu lúc chua chát và cay độc. Khi bình luận về chính trị Đông Dương hay những cuộc tác chiến quân sự vào các năm 1883-1885, ngài phê phán rất thẳng thắn và mạnh mẽ.
Cũng vậy, đối với những người quá tin vào khẩu hiệu đến từ Paris “Hãy coi chừng các vị thừa sai”. Đức Cha Lý vừa phẫn nộ vừa vui vẻ đả kích nói rằng: “Người ta trách chúng tôi quan trọng hóa việc giết hại các giáo dân và dám kéo chính phủ vào một cuộc chiến mà nước Pháp không muốn? Vậy mà có 45.000 người trở lại đạo đã bị hành hình! Như vậy không đủ sao? Khi chúng tôi báo cho cấp trên những nguy hiểm cũng như những sự kiện ấy, họ không tin. Hoặc họ một mực từ chối không can thiệp“.
Một ngày kia, thấy chiếc tàu Pháp thả neo ở bến Tourane (Đà Nẵng) tôi xin Quan Tự cho chạy dọc theo bờ, bắn đạn giả để trấn an giáo dân và dọa những người tàn sát. Nhưng thật là chán nản, các sĩ quan bảo tôi rằng họ đã nhận được lệnh dứt khoát không được đánh phá. Đức Cha Allys mỉm cười tinh nghịch lưu ý rằng tướng Courbet, người chỉ huy quân đội đã bỏ rơi chúng tôi, là một người công giáo hơn ai hết. Vợ ông ở Pháp nghe nhận xét về ông, đã tới xin Bề trên hội thừa sai ở rue du Bac, đừng phản kháng sự buông thả của chồng bà.
Cũng vì những lý do tương tự, vị đại diện lâm thời lúc ấy, ông M.H., cũng không chiếu cố đến. Dù vậy, Đức Cha cười mỉa mai nói thêm: ông M.H. có người chị tu ở Dòng Kín và ông ta năng nói về thánh Têrêxa. Ông ta bắt chúng tôi thụ động quá. Tôi còn nhớ ông ta trách tôi vì giáo dân đã nhận chìm nước một ông quan được chỉ định đi kiểm tra sự thật về các vụ tàn sát. Ông quan điều tra ấy là một trong những người xúi giục bắt bớ. Nếu ông M.H. không biết điều đó, thì giáo dân biết rất rõ. Dĩ nhiên tôi lên án kiểu trả đũa đó. Nhưng ông M.H. cũng đã cho niêm yết trong các làng rằng cấm người công giáo giết những người phật giáo. Tóm lại, từ người bị tàn sát, chúng tôi trở thành người tàn sát!
Đức Cha Lý than thở: “Ôi! thời kỳ kinh hoàng! Các giáo dân muốn kêu cứu nước Pháp nhưng tôi buộc lòng phải trả lời cho họ rằng ông tướng và ông đại diện lâm thời quá bận ở nơi khác không giúp họ được!…Tuy vậy, nhiều người trong họ rất tử tế với chúng tôi, và các con của họ là những người thành tâm bênh đỡ chúng tôi. Dù ở Annam, ở Bắc Kỳ hay Nam Kỳ các vị lãnh đạo đều thấy rằng: không thấy có những người công giáo trong số những người Annam nổi loạn. Chứng tá, đức tin, và lời giảng dạy của chúng tôi đã sinh hoa kết quả. Về phần tôi, 60 năm lưu đày và những nỗi đắng cay vẫn làm cho tôi là người dân Pháp hơn bao giờ hết”. Ngài nói điều đó với một nụ cười trẻ trung và một cử chỉ mạnh mẽ.
Tôi hỏi Đức Cha, ngài có viết hồi ký không? Đức Cha trả lời không và rất đáng tiếc, vì lịch sử chính thức của chế độ bảo hộ Annam, theo Đức Cha, sẽ rất cần một số điều chỉnh. Nhưng, ngài nói, mù như tôi, việc đó không làm được. Muốn viết tôi phải dùng bút chì thật đen, và có người bên cạnh hướng dẫn tay tôi.
Vị chủ nhân đáng kính ngồi đó và im lặng. Vì sự thiếu quan tâm, tôi đã làm ngài đau khổ khi tôi nhắc lại việc ngài không thể đọc và viết.
Bất chợt ngài đứng lên cầm lấy tay tôi và nói: “Không phải chỉ có điều là không viết nữa. Nhưng rồi đây tôi sẽ không ra ngoài, không đi, không theo dõi, không ra lệnh. Mà ông biết không, tôi là một người hoạt động!”. Một thoáng buồn hiện rõ trên khuôn mặt nghiêm nghị, và các đường nét bỗng dưng như biến dạng đi.
Đức Cha nói tiếp với một giọng nhẫn nhục hơn: “Tôi phải rút lui, về hưu, và từ nay tôi chỉ còn có thể kể chuyện hoặc khuyên răn bảo ban. Có thể, nhờ đó, người ta sẽ còn lui tới thăm tôi. Ở đây, tất cả mọi người, Pháp cũng như An Nam, họ rất tốt đối với tôi. Mới hôm qua ông Tổng Đốc nhất định muốn đem tôi đi Sài Gòn để mổ mắt. Nhưng tôi nghĩ rằng người ta không thể làm được gì để chữa cho tôi. Nếu Chúa cho tôi còn sống thêm một vài năm thì tôi sẽ sống với những hoài niệm. Vì tôi cũng có một vài chuyện, từ ngày tôi tới Nam Kỳ, dưới thời ông Đô Đốc de la Grandière. Ông đó đúng là một vị lãnh đạo! Từ Paris ông nhận được chỉ thị phải bỏ xứ này trừ Sai Gòn và vùng ngoại ô. Thay vì giải quyết theo sự ngu ngốc ấy, ông Đô Đốc chiếm các tỉnh mà triều đình An Nam chơi xỏ chúng ta và ông ta đã hoàn thành tốt, không tốn một người hay một đồng xu.
Nhờ ông La Grandière và một vài người khác tôi hy vọng thấy vùng Đông Dương trở lại hòa bình và thịnh vượng, trước khi tôi chết. Nói chung, dân Annam là một dân dũng cảm, có lẽ là dân tốt nhất của cả vùng Cận Đông. Và tôi vui mừng thấy rằng nước Pháp luôn luôn gửi đến cho họ những người chỉ đạo vững vàng. Bây giờ, tôi hy vọng nhiều vào nước Annam của tôi và tôi có thể giã từ họ.”
Giọng nói rôm rả và say sưa đang nói với tôi trong phòng khách khiêm tốn đã vĩnh viễn ngừng hẳn và bụi đất đỏ của “xứ có bình minh trầm lắng” đã phủ lên thi hài của người hùng xây dựng các xứ đạo.
Chính phủ Pháp được vinh dự ân thưởng Đức Cha Lý huy chương Bắc Đẩu Bội Tinh Đệ Ngũ Đẳng. Là một gương mặt cao quý và độc đáo của xứ truyền giáo, Đức Giám mục Huế rất xứng đáng sự biểu dương ấy.
Trong ngày trao tặng huy chương, Toàn quyền Pasquier đã phác họa chân dung của vị Giám mục trong một bài diễn văn như sau: “Khi chính quyền gắn huy chương đỏ trên áo tím Giám mục của ngài là có ý biểu dương những đức tính hùng dũng và chắc chắn nơi ngài. Ngài mang những đức tính ấy với một lòng quả cảm không bao giờ tắt nụ cười trên môi với lòng nhiệt thành đến độ hăng say, một sự lạc quan thổi vào những ngọn lửa đang chập chờn”.